Sạt núi Dùm ở Tuyên Quang: Vì sao cấp phép khai quặng?
Khu du lịch sinh thái tâm linh Núi Dùm - Cổng Trời ở TP Tuyên Quang có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng vì việc khai thác quặng của Cty Tây Đô - một dự án có những góc khuất gây bức xúc dư luận nhiều năm qua.
Quần thể sinh thái tâm linh Núi Dùm - Cổng Trời, một “ Tam Đảo xứ Tuyên”, được tỉnh Tuyên Quang xúc tiến mời gọi đầu tư nhiều năm qua nhằm biến nơi đây thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia, góp phần đáng kể cho kinh tế du lịch tỉnh này. Với khu quy hoạch được phê duyệt 2.000ha bao trùm một vùng rộng lớn, người dân xứ Tuyên vui mừng khi Núi Dùm - Cổng Trời sắp trở thành địa chỉ nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái và tâm linh đặc biệt hấp dẫn. Nhưng ngày 12/02/2015, Cty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô (Cty Tây Đô) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ chì - kẽm (số 380/GP-BTNMT) tại khu vực này. Gần một năm sau, ngày 18/01/2016, Cty Tây Đô làm lễ động thổ và đi vào hoạt động khai thác.
Sau khi Đại Đoàn Kết có bài phản ánh nguy cơ núi Dùm chờ sập, nhiều người dân ở phường Nông Tiến đã thông tin thêm: “Mới đầu họ nổ mìn ngay phía ngoài, cả xóm rung lên, đất đá bay tứ tung làm thủng mái nhà, vỡ cửa kính. Họ đào quặng ngay trên vách núi, cứ ngỡ như đá sắp ụp xuống đầu, ai cũng sợ. Hầm ngách giờ ăn sâu vào lòng núi nên không còn nghe tiếng mìn chói tai nữa...”. Đứng từ xa đã có thể thấy rõ hàng nghìn m3 đất đá đắp cao, dài hàng trăm mét ngang dọc trên sườn núi. Điều gì sẽ xảy ra đối với sinh mạng 219 hộ dân, gần 900 nhân khẩu sống dưới chân núi nếu mưa kéo dài?! Phản ánh của người dân cho biết có những ngày hàng chục xe tải đỗ hàng dài nối nhau lên mỏ.
Dãy núi Dùm dáng như con rồng, đầu hướng ra dòng Lô, đuôi kéo về làng Dùm. Vẻ đẹp của “Tam Đảo xứ Tuyên” đang nguy cơ bị khai thác quặng băm nát, cảnh quan môi trường sinh thái bị phá vỡ, dự án du lịch Núi Dùm - Cổng Trời sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề đến giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng. Tàn tích bóc lột của người Pháp đối với tài nguyên núi Dùm vẫn còn những bức tường đá rêu phong sừng sững, hầm lò ngang dọc khắp triền núi, nhưng rừng đang hồi sinh tươi tốt, khơi ra tiềm năng du lịch linh thiêng xứ Tuyên.
Song, núi Dùm lại một lần nữa bị đe dọa nghiêm trọng khi Cty Tây Đô được cấp phép đào khoét khai thác quặng. Ngày 05/06/2015, ông Trần Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, chủ trì họp các sở ngành về dự án xây dựng Nhà máy luyện kẽm - chì Tuyên Quang, công suất 15.000-20.000 tấn/năm do Cty Tây Đô làm chủ đầu tư. Ngày 01/07/2017 ông Thực ký văn bản số 1821/UBND-CN trình Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang về dự án này, nêu mức đầu tư 625 tỷ đồng, địa điểm tại KCN Long Bình An, diện tích dự kiến 6,66 ha, chất lượng sản phẩm tinh chế đạt 99%, tổng số lao động 1.000 người, góp cho ngân sách 54 tỷ đồng/năm, và giữa quý II/2017 nhà máy đi vào hoạt động.
4 năm qua, Cty Tây Đô vẫn không đầu tư xây dựng nhà máy tinh luyện như cam kết, nhưng nhiều nghìn tấn quặng núi Dùm vẫn đang bị đào móc. Và nhiều năm liền ông Thực cũng “quên” cái trách nhiệm của Cty Tây Đô, Ủy ban tỉnh và các sở, ban, ngành Tuyên Quang cũng không đánh giá hệ lụy mà Cty Tây Đô gây ra, không thanh kiểm tra hoạt động. Tài nguyên cứ mất, cảnh quan môi trường bị tàn phá, ngân sách thất thu, người dân sống trong bất an.
Theo cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, tháng 4/2020 Cty Tây Đô kê khai dừng hoạt động khai thác và chế biến quặng tại núi Dùm, nhưng thực tế những chuyến xe tải vẫn hằng ngày nối nhau trèo lên núi. Kỳ lạ là những chuyến xe này không bao giờ đi ngược lại con đường cũ. Tìm hiểu của phóng viên Đại Đoàn Kết, xe tải sau khi ăn quặng sẽ chạy theo một con đường hẻm trên núi, tạt sát một mỏ đá rồi vòng ra quốc lộ 37 chạy sang Thái Nguyên.
Phóng viên cũng đã tận mắt quan sát khu chế biến tinh quặng của Cty Tây Đô tại bãi đất hoang thuộc quản lý của Trại giam Quyết Tiến (xã Thượng Ấm, Sơn Dương). Khung cảnh thực tế hoàn toàn trái ngược những gì mà lãnh đạo Cty đã “nổ” trước đó. Nhà xưởng rộng vài trăm m2 bỏ hoang, trống trơn không hề có máy móc thiết bị, cây cỏ um tùm. Dư luận hồ nghi đây vỏ bọc “đầu tư, xây dựng” mà Cty Tây Đô dựng lên để nuốt trọn nhiều nghìn tấn quặng thô không qua chế biến.