Gia đình người Vân Kiều hiếu học

Xuân Thi 10/12/2020 08:00

Bà Hồ Thị Pan luôn mong muốn mình là “cầu nối” để mỗi gia đình trong bản có điều kiện cho con được học hành, biết cái chữ.

Bà Hồ Thị Pan đại diện gia đình nhận bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc xây dựng Gia đình học tập từ năm 2016 – 2020..

Với ý chí, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, gia đình ông Hồ Văn Xoa và bà Hồ Thị Pan ở bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nuôi dạy các con nên người, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình hiếu học ở địa phương.

Trước đây cũng như bao hộ gia đình khác ở bản Khe Ngang, vợ chồng ông Hồ Văn Xoa (sinh năm 1957) và Hồ Thị Pan (56 tuổi) sống du canh du cư, tập quán canh tác chủ yếu là phát, đốt, cốt, trỉa nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Cuộc sống của gia đình Hồ Văn Xoa vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi 5 người con của họ lần lượt chào đời. Cả gia đình chỉ trông chờ vào rẫy lúa, rẫy ngô, có những năm nắng hạn mất mùa phải đi đào củ mài để ăn đắp đổi qua ngày.

Năm 1999, khi được vận động sống định canh định cư, gia đình ông Hồ Văn Xoa đã tiên phong trở về bản. Sau đó không lâu ông được cử làm trưởng bản Khe Ngang. Với vai trò là trưởng bản, ông Xoa đã vận động người dân trong bản không du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy mà chuyển sang trồng lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi. Nhờ vậy, đời sống của người dân bản Khe Ngang dần được ổn định và từng bước đi lên.

Không chỉ ông Hồ Văn Xoa mà bà Hồ Thị Pan cũng tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 2000, bà Pan tham gia lớp tập huấn xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với những kiến thức mà mình đã tiếp thu, khi trở về bản, bà đã không nề hà khó khăn, vận động mọi người tham gia học lớp xóa mù chữ. Nhờ sự nhiệt tình, kiên trì của bà mà nhiều người dân trong bản Khe Ngang đã biết đọc chữ, biết các con số và làm các phép tính đơn giản.

Là một gia đình dân tộc thiểu số đông con nên hơn ai hết bà Hồ Thị Pan thấu hiểu được những gian nan, vất vả khi nuôi các con và làm gì để các con được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, bà luôn mong muốn mình là “cầu nối” để mỗi gia đình trong bản có điều kiện cho con được học hành, biết cái chữ.

Gắn bó với công việc cộng tác viên dân số gần 10 năm (2006 – 2014), bà Hồ Thị Pan luôn nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Thời gian đầu mới làm công việc này, bà cũng gặp không ít khó khăn vì đa phần người dân bản Khe Ngang là người dân tộc Bru – Vân Kiều nên nhận thức về công tác dân số - KHHGĐ còn nhiều hạn chế.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Xuân – điểm trường Khe Ngang.

Hiểu được những khó khăn, vất vả và sự kiên trì, khéo léo cần có ở người làm cộng tác viên Dân số -Kế hoạch hóa gia đình, bà Hồ Thị Pan đã tự đúc rút cho mình những kinh nghiệm thực tế để vận động, tuyên truyền bà con một cách có hiệu quả. Không kể ngày đêm, nắng mưa, bà đến từng nhà người dân trong bản, đặc biệt là các hộ gia đình có người trong độ tuổi sinh sản để tuyên truyền về chính sách dân số, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không kết hôn sớm, không cho con bỏ học…

Với những đóng góp của mình, bà Hồ Thị Pan đã được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2003 – 2008 góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Tích cực tham gia công việc chung của thôn, bản, gia đình ông Hồ Văn Xoa còn được mọi người biết đến là một gia đình hiếu học tiêu biểu. Ông tâm sự: “Trước đây, cuộc sống vợ chồng miềng (mình) rất cực khổ nên hai vợ chồng luôn cố gắng làm lụng để con cái biết được nhiều cái chữ, được học hành để có công việc ổn định, không còn đói khổ nữa”.

Hiện nay, 5 người con của vợ chồng ông Hồ Văn Xoa đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng. Người con trai đầu của ông bà là Hồ Văn Quý hiện đang làm bác sĩ tại Trạm y tế xã Gia Ninh. Người con trai thứ 2 là Hồ Văn Sửu học hiện làm y tế thôn bản ở bản Khe Ngang. Người con gái thứ 3 Hồ Thị Mão đã tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội và đang công tác tại Ủy ban xã Trường Xuân. Noi gương các anh chị, người em gái út cũng đã tốt nghiệp Đại học Quảng Bình.

Gia đình ông Hồ Văn Xoa rất tích cực vận động bà con dân bản tham gia, xây dựng quỹ khuyến học, gia đình học tập. Nhờ vậy, hàng năm, số hộ gia đình ở bản Khe Ngang đăng ký gia đình học tập luôn đạt trên 90%, 100% gia đình có hội viên tham gia chi hội khuyến học, dòng họ hiếu học.

Cùng với đó, việc phát triển kinh tế cũng được gia đình ông bà rất chú trọng. Hiện nay, gia đình ông Hồ Văn Xoa và Hồ Thị Pan có gần 3 ha rừng keo đang chuẩn bị thu hoạch, 4 sào ruộng. Ngoài ra, ông bà còn tập trung nuôi bò, lợn, gà và trồng thêm ngô, sắn, đậu mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Nhận xét về gia đình ông Hồ Văn Xoa, ông Trần Xuân Lập - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trường Xuân cho biết: Đa phần người dân ở bản Khe Ngang đều là người Vân Kiều và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ở bản Khe Ngang có được gia đình hiếu học như gia đình Hồ Văn Xoa là một điều rất đáng ghi nhận và là tấm gương để các gia đình khác học tập, noi theo. Nhiều năm liền, gia đình ông Hồ Văn Xoa đã đạt được danh hiệu gia đình văn hóa và gia đình học tập tiêu biểu từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Xuân Thi