Nuôi cá đá
Cá đá (hay còn gọi là cá chọi, cá Xiêm, cá Beta) được nhiều người nuôi. Không chỉ để tham dự những cuộc đấu giữa từng cặp cá mà chúng đã trở thành loài cá cảnh đẹp và dễ nuôi, được nhiều người chọn lựa. Cũng đã không ít người khá lên nhờ nuôi hoặc là buôn bán cá đá.
Cá đá có ở khá nhiều vùng trong nước. Chúng có thể là loài thuần chủng mà cũng có thể là loài lai, và những năm gần đây xuất hiện cả các loài cá đá nhập khẩu, nhiều nhất là nhập từ Thái Lan vì giống cá đá ở đây có bộ vây rất dài, nhiều màu.
Cá đá từng được đặt biệt danh là “trang sức của Phương Đông” do màu sắc tuyệt đẹp của chúng qua nhiều quá trình lai tạo. Cá đá có màu sắc rất phong phú, chẳng hạn: đỏ, xanh lam, xanh lá, xanh ngọc, màu cam, vàng, trắng, màu ánh kim... Và hầu hết chúng đều có nhiều màu sắc óng ánh và thay đổi màu theo góc nhìn hay cường độ ánh sáng.
Những người nuôi cá đá cho biết, nuôi chúng vừa để thưởng thức vẻ đẹp lại vừa kinh doanh, một công đôi việc. Vì thế, tới nay nhiều người ở ngoại ô các thị trấn, thị xã, thành phố đã đầu tư nuôi cá đá để kinh doanh, có thu nhập tốt.
Cá đá được ưa thích vì dễ nuôi, nhiều màu sắc rất đẹp, là loài cá khá dữ nhưng lại sở hữu bộ vây có thể nói là đứng hàng đầu trong những loại cá cảnh.. Để nuôi cá đá, không cần đến những hồ nước rộng mà đôi khi chỉ cần trong một chiếc lọ thuỷ tinh, không cần máy sục khí và lượng thức ăn cũng rất ít, chất thải ít. Vài ngày, thậm chí cả tuần mới cần thay nước một lần.
Cả người lớn lẫn trẻ em đều thích cá đá, mỗi lứa tuổi lại tìm thấy ở chúng điều thú vị riêng. Không nhiều người biết rằng nếu nuôi lâu ngày cá đá có thể nhận biết chủ. Mỗi lần cho ăn hay lại gần nhìn, sờ tay vào thành lọ, hay thậm chì sờ cả vào mình cá, nó quấn quít, bơi vòng vòng tỏ ý thân thiện. Thi thoảng, nó xù bộ đuôi căng phồng như lá cờ gặp gió nhìn rất đẹp.
Tuy nhiên, dù là loài dễ nuôi nhưng cũng cần phải nắm được những yêu cầu cơ bản để có được những con cá đá đẹp. Trước tiên là về nguồn nước, tuy rằng cá đá có thể chịu được nước khá đục nhưng cũng không thể vì thế mà người nuôi để nhiều ngày không thay nước. Nhất là khi cho ăn cần chú ý cho rất ít vì nếu cá không hết thức ăn đọng lại trong bình sẽ bị thối, làm đục nước. Kinh nghiệm là cho lượng thức ăn vừa đủ, cá ăn hết trong vòng 10 phút là tốt nhất. Nhiều người trước khi đi vắng nhiều ngày đã sai lầm khi đổ rất nhiều thức ăn vào cho cá, vì để chúng không bị chết đói. Nhưng thực chất đó chính là “đánh thuốc độc” giết những chú cá cưng của chính mình. Lưu ý rằng nếu buộc phải sống trong nước đã bị ô nhiễm, cá sẽ chết trong vòng 24 giờ sau đó.
Cá đá là loài ăn thịt, cấu tạo miệng của chúng hếch lên trên là phù hợp cho việc kiếm ăn trên bề mặt. Trong tự nhiên, cá đá chủ yếu ăn bọ gậy và một số ấu trùng của côn trùng khác. Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng rất thích ăn thức ăn sống như giun đỏ, các viên thức ăn được trộn từ thịt tôm băm nhuyễn, thịt cá, tôm ngâm nước muối… Chú ý, tuyệt đối không được cho chúng ăn thức ăn từ thực vật như viên thức ăn có bột ngũ cốc, có thể chúng sẽ chết.
Cá đá giao phối theo một cách độc đáo được gọi là ép (hoặc quấn). Khi giao phối con đực quấn quanh con cái và ép chặt lại, mỗi lần như vậy con cái sẽ sinh ra 10 đến 41 trứng, ngay lập tức con đực sẽ phóng tinh trùng qua trứng. Rất độc đáo là chỉ con đực mới có nhiệm vụ trông coi và chăm sóc trứng. Cá đá đực sẽ làm một cái ổ bằng bọt khí ôxy, khi giao phối nó sẽ nhặt từng quả trứng con cái sinh ra và đặt vào ổ bọt khí đó. Nếu có quả trứng nào bị rơi xuống nước vì bọt khí vỡ cá chọi đực sẽ cẩn thận nhặt lại và cho vào một bọt khí mới.
Trứng được ấp trong 30 đến 40 giờ, khoảng 3 đến 4 ngày sau sẽ nở hết. Con đực vẫn chăm sóc đàn con sau khi nở 2 ngày cho đến khi chúng tự bơi được. Cũng như chăm sóc trứng, trong thời gian này nếu có một con cá bột (cá con mới nở) bị chìm xuống dưới đáy bể nước, cá bố sẽ dùng miệng nhặt nó lên đặt lại vào ổ bọt khí.