'Người dân sẽ không phải xuất trình giấy tờ để chứng minh nhân thân'
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết người dân sẽ không phải nộp, xuất trình các giấy tờ để chứng minh về nhân thân.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, để triển khai Điều 66 Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, xây dựng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung và các phần mềm khác có liên quan. Đây là nền tảng quan trọng của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, phục vụ đăng ký hộ tịch điện tử, cung cấp dữ liệu dữ liệu khai sinh của trẻ em từ 01/01/2016, cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân cho trẻ em.
Bộ Tư pháp cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020 quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện, vận hành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Tính đến hết tháng 11/2020, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với trên 18.000 người dùng của hơn 11.000 UBND cấp xã, trên 700 Phòng Tư pháp cấp huyện và 63 Sở Tư pháp đã triển khai sử dụng phần mềm. Đến nay phần mềm đã ghi nhận gần 4,8 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân; hơn 14 triệu thông tin công dân đã được thu thập và lưu giữ.
Số hóa dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang gặp khó khăn
Việc cập nhật, bổ sung thông tin hộ tịch đang lưu trữ hiện nay, đặc biệt là từ bản giấy lên cơ sở dữ liệu điện tử có gặp nhiều khó khăn hay không và dự kiến khi nào sẽ hoàn thành, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Khanh: Do hạn chế về nguồn lực ở cả Trung ương và địa phương nên phần mềm sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chưa được nâng cấp hoàn thiện, dữ liệu hộ tịch từ hàng triệu sổ giấy được đăng ký trước ngày 01/01/2016 ở các địa phương chưa được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu.
Hiện tại, công tác thu thập, số hóa dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế các UBND cấp xã, cấp huyện và Sở Tư pháp đang lưu giữ một số lượng lớn sổ bộ hộ tịch qua các thời kỳ. Đây chính là thông tin hộ tịch của gần 90 triệu công dân, đang được lưu trữ trên hàng triệu sổ giấy về hộ tịch cần được số hóa.
Trong khi ngân sách nhà nước ở Trung ương không đầu tư để thực hiện việc số hóa tập trung, nên đành phải giao cho các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để số hóa, nên tiến độ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, do giao cho địa phương nên cách thức và phương thức kỹ thuật thực hiện sẽ rất khác nhau, khó bảo đảm tính chính xác, đồng bộ và thống nhất.
Để khắc phục tình trạng này, tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 87/2020 đã giao UBND các cấp có trách nhiệm triển khai việc số hóa, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy; chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử của địa phương đã triển khai thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, bảo đảm hoàn thành trước ngày 1/1/2025.
Từ thời điểm nào mỗi trẻ em khi đăng ký khai sinh sẽ được cấp 1 số định danh cá nhân, đến khi đủ 14 tuổi sẽ dùng số đó để cấp Căn cước công dân?
- Theo quy định của Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân thì việc cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em được thực hiện ngay khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2016, Bộ Tư pháp với Bộ Công an mới thí điểm tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 1 huyện của tỉnh Nghệ An. Sau đó mở rộng dần trên toàn quốc.
Kể từ tháng 9/2020, tất cả trẻ em trên toàn quốc, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi khi đăng ký khai sinh đều được cấp 1 số định danh cá nhân. Đây sẽ là 12 số trên Thẻ căn cước công dân của trẻ khi đủ 14 tuổi được làm Căn cước công dân.
Tiến tới giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức "không giấy"
Theo tính toán của Bộ Tư pháp, khi nào Cơ sở dữ liệu hộ tịch sẽ kết nối, chia sẻ thông tin được với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an quản lý?
- Theo quy định của Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân, Nghị định số 87/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến thì việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là kết nối thường xuyên, mặc định.
Thực tế thì ngay từ khi triển khai Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử (thời điểm thí điểm ban đầu), ngay tại thời điểm hoàn thành việc đăng ký khai sinh, kết nối lấy số định danh cá nhân dữ liệu hộ tịch của trẻ em và của cha mẹ trẻ em đã được chia sẻ từ hệ thống của Bộ Tư pháp cho hệ thống của Bộ Công an để phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Còn việc chia sẻ dữ liệu từ các trường hợp đăng ký hộ tịch khác (kết hôn, thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch …) từ phía hệ thống của Bộ Tư pháp sang hệ thống của Bộ Công an và ngược lại thì sẽ được hai bộ thống nhất về phạm vi, cách thức trong thời gian tới, sau khi hoàn thành việc xây dựng 2 cơ sở dữ liệu này.
Những thuận lợi, lợi ích mà người dân và cơ quan quản lý nhà nước sẽ được hưởng khi hoàn thành cơ sở dữ liệu này cụ thể là gì, thưa ông?
- Khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc thì thuận lợi nhất đối với người dân là toàn bộ dữ liệu hộ tịch của họ đã được tập hợp đầy đủ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức "không giấy".
Khi ấy, người dân không phải nộp, xuất trình các giấy tờ để chứng minh về nhân thân. Việc tra cứu, cấp xác nhận hộ tịch, bảo sao, trích lục hộ tịch theo yêu cầu của người dân cũng bảo đảm nhanh chóng, chính xác và thuận lợi hơn.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch được hoàn thiện sẽ cung cấp kịp thời, thường xuyên những di/biến động về hộ tịch của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu dân cư. Việc chia sẻ dữ liệu cá nhân cho các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác sẽ bảo đảm chính xác hơn.
Việc hoàn chỉnh dữ liệu sẽ giúp cho việc theo dõi, quản lý, thống kê sinh-tử bảo đảm kịp thời và chính xác. Từ đó sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp nắm bắt kịp thời tình hình biến động của dân cư, để có cơ sở xây dựng, hoạch định những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.
Đồng thời, với sự năng động, kịp thời, chính xác của công tác thống kê sinh-tử, sẽ góp phần quan trọng để tiến tới loại bỏ hoạt động tổng điều tra dân số (10 năm 1 lần) như trước đây.
- Xin cảm ơn ông!