Người bệnh ung thư vú được tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến
Việt Nam có gần 165.000 số ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 9,2% với 15.000 người mắc bệnh, hơn 6.000 trường hợp tử vong mỗi năm vì căn bệnh này.
Chiều 8/12, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Roche Việt Nam chính thức ký kết khởi động Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025”.
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới, làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.
Theo thống kê của Globocan 2018 - Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu, toàn cầu hiện có 23 triệu người đang mắc ung thư mỗi năm, trong đó có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong.
Cũng theo thống kê, Việt Nam có gần 165.000 số ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 9,2% với 15.000 người mắc bệnh, hơn 6.000 trường hợp tử vong mỗi năm vì căn bệnh này.
Bên cạnh tỷ lệ tử vong cao, gánh nặng kinh tế cũng là vấn đề nổi cộm của ung thư vú. Tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư đối diện khủng hoảng tài chính vẫn còn cao, chính vì thế việc điều trị cho bệnh nhân ung thư vú với những liệu pháp hiệu quả càng sớm càng tốt trở nên quan trọng, giúp ngăn ngừa tái phát xa và mang lại cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân cũng như giảm gánh nặng về kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao sáng kiến của Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Roche Việt Nam trong phối hợp xây dựng Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025”; đồng thời bày tỏ mong muốn Đề án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cộng đồng.
Hiện tỷ lệ điều trị khỏi trong ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ngày một cao. Kết quả này có được là nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong y học như các kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm hay các liệu pháp điều trị sinh học mới cùng với việc phát hiện sớm và người bệnh tiếp cận được với các liệu pháp điều trị tiên tiến.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025. Trong đó, phòng chống bệnh ung thư là một trong những nội dung thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia, cho thấy bệnh ung thư đang là một vấn đề lớn với sức khỏe của toàn xã hội. Trong đó ung thư vú có tỷ lệ mắc cao nhất ở nữ giới, là vấn đề cần được quan tâm và cần có các hoạt động can thiệp nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho xã hội.
Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025” là Đề án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho bệnh ung thư vú với quy mô và số lượng đối tác lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.
Đối với bệnh viện, Đề án giúp nâng cao năng lực chữa trị ung thư vú cho nhiều y bác sỹ hơn, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng chữa trị trên mỗi bệnh nhân.
Đề án triển khai nhiều hoạt động trong giai đoạn 2020-2025 bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư vú, gia tăng số lượng người được chẩn đoán sớm tại các bệnh viện tham gia Đề án; Tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư vú đến năm 2025; Tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của bảo hiểm và Viện Ung thư Quốc gia nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú.
Việc thực hiện Đề án sẽ mang đến những thay đổi tích cực, bền vững, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam, tương đương các nước phát triển hơn trong khu vực.