‘Cày tối mặt’ để nuôi Grab

Hạnh Nhân 09/12/2020 08:30

Việc nhiều tài xế GrabBike tắt ứng dụng để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2% đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nhiều tài xế cho rằng mức thu này quá cao so với thu nhập thực nhận trong bối cảnh cuộc sống khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tại thời điểm này, do thất nghiệp, giãn việc nên nhiều người xoay sang chạy xe công nghệ. Chính vì thế, trước việc mức chiết khấu đối với lái xe tăng đã khiến giới tài xế xe công nghệ lo lắng, phản ứng.

Sai lầm khi mua xe trả góp chạy Grab

Anh Nguyễn Văn Hà (quê Nam Định) tâm tư: Mỗi ngày tôi chạy GrabBike từ sáng cho tới tối được khoảng 400 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí 30% tôi còn được 280 ngàn đồng, trừ tiếp tiền xăng còn được khoảng 230 ngàn đồng. Tôi cũng chẳng còn mặn mà nghề này nữa, nhưng chưa biết tới đây sẽ chuyển sang nghề gì để mưu sinh.

Còn anh Đỗ Ngọc An (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã sai lầm khi bỏ việc cũ đang làm rồi mua xe trả góp chạy GrabCar, lỡ mua xe rồi giờ bán lại cũng lỗ mất gần trăm triệu, còn tiếp tục chạy từ sáng sớm đến khuya ngày cao điểm thứ 7 và chủ nhật may ra được 2 triệu đồng, trong đó Grab thu mất 700 ngàn đồng, xăng hết 500 ngàn đồng, còn lại 800 ngàn đồng thì ăn uống tiết kiệm hết 150 ngàn đồng, hao mòn xe hết 200 ngàn đồng/ngày. Đó là chưa kể chi phí bảo dưỡng xe định kỳ đối với xe chạy dịch vụ khoảng 1 tháng /1 lần, va quệt trên đường, bị công an phạt, bảo hiểm vật chất, hộp đen, phí đường bộ...

“Chốt lại Grab thu quá cao nên tài xế không còn được bao nhiêu, không nuôi nổi vợ con bằng nghề này được. Phải bán xe thôi dù có bị lỗ, chừng nào Grab chỉ thu tổng cộng 20% thì may ra các tài xế mới có công, chứ thu như hiện nay thì chúng ta đang cày tối mặt để nuôi Grab” - anh An bức xúc,

Một tài xế khác, quê Thái Nguyên, cũng đưa ra hàng loạt thắc mắc: Giá xăng giảm còn một nửa, sao không thấy giảm giá cước? Giờ nếu giá xăng quay lại mức gần như trước dịch thì liệu Grab có lại tăng giá cước theo kiểu tát nước theo mưa không? Mà Grab định giá cước dựa trên cơ sở nào? Đúng ra là phải cho phép mỗi tài xế tự thiết lập mức giá cước trên mỗi km, sau đó áp vào quãng đường khách gọi xe thực tế để hiển thị danh sách các tài xế ở gần điểm gọi dưới 500 mét, trong danh sách đó có hiển thị mức giá chuyến đi tính theo đơn giá của từng tài xế, như thế mới đảm bảo công khai và công bằng. Cách tự định giá của Grab hiện nay vừa bắt lái xe phải theo, vừa ép khách phải đi mà không có quyền chọn xe chọn giá.

Khó khăn chồng chất vậy mà từ ngày 5/12, các tài xế Grab lại thêm gánh nặng khi mức khấu trừ tăng đến hơn 27% cho mỗi chuyến đi. Phản đối chính sách của Grab, hàng trăm tài xế tập trung trước văn phòng Grab tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thậm chí, các tài xế còn bấm còi xe, căng băng-rôn phản đối và livestream.

Góc nhìn luật sư

Nhận định về hệ thống pháp luật của loại hình vận tải xe công nghệ, dưới góc nhìn của luật pháp, với sự việc các lái xe công nghệ phản đối mức khấu trừ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng thời gian gần đây các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, thì từ ngày 5/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế giá trị gia tăng là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp.

Ngược xuôi trên những tuyến đường để mưu sinh. Ảnh: Quang Vinh.

“Với taxi công nghệ thì lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế giá trị gia tăng được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên việc xác định thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá cước phí. Không những thế, doanh nghiệp này đang có xu hướng những chi phí, thiệt thòi về phía người lái xe. Theo một số lái xe cho biết họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế giá trị gia tăng chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này” - luật sư Cường nói.

Về việc tập trung đông người để phản đối chính sách mới của Grap, Luật sư Cường cho biết: Trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng. Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách “có trật tự”, có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép.

Cần định danh các quan hệ lao động mới

Có thể thấy giấc mơ chạy Grab, Uber của khá nhiều người bởi khi đăng ký người tham gia sẽ trở thành “đối tác” của công ty nước ngoài nhưng nay đang dần qua. Thậm chí thu nhập tháng có thể lên tới 35 triệu đồng từng là thỏi nam châm hút giới tài xế “taxi công nghệ”. Nhưng khi đăng ký lái xe cho “taxi công nghệ”, “đối tác” ngày càng bức xúc.

Tài xế Hoàng Đình Thái, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: Các hãng taxi công nghệ rất ít khi chịu nghe nguyện vọng của tài xế - đối tác của họ, dẫn tới tình trạng tài xế luôn cảm thấy họ bị bóc lột, bị đối xử bất công. “Một khi là đối tác của nhau, ít nhất chúng tôi cần được tôn trọng” - anh Thái nói.

Đáng buồn thuật ngữ “đối tác” cũng đồng nghĩa với việc không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Đối với bảo hiểm tai nạn, phải đang trong chuyến xe mới được áp dụng.

Theo các chuyên gia luật, hiện vẫn còn khá lúng túng khi định nghĩa mối quan hệ lao động giữa các chủ ứng dụng xe công nghệ và tài xế công nghệ. Luật Lao động năm 2012 còn bỏ ngỏ “khoảng trống” trong việc định danh các quan hệ lao động mới. Hiện nay, chưa có chuẩn mực nghề nghiệp cũng như khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này. Vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét cân nhắc để có những điều chỉnh phù hợp trên cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo đời sống của người lao động.

Từ ngày 5/12, Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi km tiếp theo. Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng. Mặt khác, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike, trong đó tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Đối với dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển.

Hạnh Nhân