‘Sâu’ đục đường cao tốc

Tinh Anh 09/12/2020 06:47

Là giám sát viên, thay vì chỉ ra những vi phạm về vật liệu, cung cách thi công cẩu thả, bớt xén nguyên vật liệu, các bị can lại thông đồng, câu kết với nhau để chia chác lợi lộc. Họ đúng là những con sâu cùng nhau đục khoét đường cao tốc.

Liên quan đến sai phạm tại Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 13 bị can là các kỹ sư chịu trách nhiệm giám sát nguyên vật liệu, giám sát thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Trước đó, CQĐT cũng đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 20 bị can, trong đó có những người từng là lãnh đạo của VEC, BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhà thầu...

CQĐT xác định, các bị can đã cố tình vi phạm quy định về xây dựng công trình giao thông trong quá trình giám sát thi công, xác nhận nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Các bị can đã có hành vi xác nhận, nghiệm thu để đưa công trình giao thông không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không phải là tuyến đường đầu tiên bị phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tài sản nhà nước. Từng có nhiều tuyến đường ngay sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã bị hư hỏng phải khắc phục sửa chữa, gây tốn kém lãng phí. Song, tới thời điểm này, không nhiều “sâu” đục khoét các tuyến đường huyết mạch phải “nhập kho” để trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật.

Câu chuyện vi phạm pháp luật, “làm giả ăn thật” tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có lẽ sẽ không bị “khui” ra nếu không có đơn tố cáo của một kỹ sư làm việc tại dự án này, để rồi anh này bị những kẻ “có tật giật mình” dàn cảnh đánh ghen để dằn mặt. Song, dù cho có đơn tố cáo hay không, việc hư hỏng nghiêm trọng của con đường cao tốc sau khi đưa vào khai thác sử dụng là có thật nên không ai có thể “che mắt” thiên hạ.

Việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án rồi sau đó khởi tố gần 40 bị can liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã củng cố niềm tin của nhân dân trong việc nghiêm trị những “con sâu” chuyên đục khoét tài sản nhà nước. Vụ án còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với không ít người đã, đang và sẽ có ý định... “ăn đường”.

Tất nhiên, cũng không phải vì hàng loạt lãnh đạo VEC, lãnh đạo BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, kỹ sư giám sát, nhà thầu... phải vào nhà đá bóc lịch mà không còn ai dám thông đồng, câu kết, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô, rút ruột Nhà nước. Song, chí ít cũng làm cho những người đang “ủ mưu” ăn cắp tiền từ các dự án phải chờn, không dám lộng hành công khai bòn rút tài sản công.

Song, dù cho cơ quan CSĐT Bộ Công an có khởi tố bao nhiêu người, thì hậu quả hành vi vi phạm pháp luật của họ cũng khó mà khắc phục được. Có thể, trong quá trình củng cố chứng cứ, tài liệu về hành vi phạm tội của các bị can, CQĐT sẽ thu hồi được một số tiền họ đã tham ô đút túi riêng. Song, những khoản thiệt hại trên thực tế là con đường hư hỏng, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư để rồi không đạt hiệu quả thì sẽ thế nào đây?

Tiền do các bị can tham ô, móc ngoặc rút ruột của Nhà nước có thu hồi được cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với hàng vài chục nghìn tỷ đồng ngân sách đã đầu tư xây dựng đoạn đường cao tốc này. Thiệt hại này, ngoài việc bắt bỏ tù các bị can, bị cáo, liệu có thể vãn hồi được hay không? Tất nhiên là không thể khắc phục được rồi, bởi tiền đã “ném qua cửa sổ” thì làm sao có thể lấy lại được.

Đây chính là lỗ hổng lớn cần phải được bịt lại ngay, để không còn có một con đường nào xảy ra tình trạng tương tự. Khi mà không có biện pháp để kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, để những kẻ có muốn cũng không thể làm liều, thì vụ việc tương tự vẫn sẽ tái diễn, dù cho có bao nhiêu người bị khởi tố, bắt giam. Điều quan trọng cần làm không phải là số người phải bóc lịch, mà là làm sao để không thể câu kết đục khoét tài sản nhà nước.

Chẳng phải chúng ta rất quen thuộc với câu phòng hơn chống đó sao? Trong bất kể lĩnh vực gì, việc phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn rất nhiều so với việc để sự cố đáng tiếc xảy ra rồi mới lo cách chống đỡ. Trong dịch bệnh cũng vậy, mà trong phòng chống tham nhũng cũng phải như thế. Khi đã phòng ngừa kỹ thì tiền vẫn ở trong túi, còn nếu sơ hở bị thất thoát rồi thì có thể lấy lại được cũng có thể không, rất khó nói.

Nói một cách hình tượng, khi chúng ta trồng cây, nếu thường xuyên vun xới, bắt sâu thì cây sẽ lên xanh tốt. Ngược lại, cây sẽ nhanh chóng lụi tàn, chết yểu nếu bị sâu đục khoét ruỗng thân, cành. Trong các dự án đầu tư công cũng vậy, nếu có giám sát nghiêm ngặt thì sẽ khó phát sinh ra “sâu”, nếu có thì nó cũng không thể tự do đục khoét, bòn rút tài sản nhà nước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy mới nói, cần ngăn ngừa “sâu”, chứ không phải là để nó phát triển to rồi mới bắt e rằng quá muộn.

Tinh Anh