Đúc trống đồng bằng truyền thống và công nghệ hiện đại
Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách luôn mong muốn kết hợp phương pháp đúc đồng truyền thống với kiến thức đã học, tạo ra sản phẩm trống đồng để lưu giữ, phục hồi những nét văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc ta.
Phóng viên báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách.
PV:Thưa nghệ nhân, điều gì đã thôi thúc ông tìm hiểu và phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam khi mà đó là cả một quá trình đầy khó khăn?
Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách: Khoảng năm 2005 - 2006, khi đó thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương xung quanh rục rịch chuẩn bị cho kỷ niệm sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời điểm đó, các làng nghề mới bắt đầu manh nha phục hồi, chưa tiếp thu được thành tựu phát triển như bây giờ. Tôi bắt gặp không ít những Việt kiều về thăm nước hoặc du khách nước ngoài muốn mua một sản phẩm kỷ niệm về văn hóa Việt Nam, để về giáo dục con cháu nhớ cội nguồn nhưng tìm mãi mà vẫn chưa thấy có sản phẩm nào hài lòng.
Khi đó, những lúc rảnh rỗi tôi hay la cà quanh các cửa hàng khu phố cổ. Có lần, tôi tình cờ vào xem một cửa hàng vàng bạc thì thấy nhiều mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài, mà chủ yếu từ Trung Quốc được bày bán còn những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống ở Việt Nam lại vắng bóng… Những hình ảnh đó khiến tôi ám ảnh và trăn trở. Tôi nghĩ sẽ phải phát triển một công nghệ phải thắng công nghệ nước ngoài để làm sản phẩm văn hóa Việt thì làng nghề mới ổn định. Vậy là từ năm 2006 tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và phát triển công nghệ riêng.
Khi đó tôi làm không phải là vì mục đích kinh doanh thương mại. Nhưng để sản phẩm thuần Việt tồn tại được và có sức lan tỏa thì phải thắng những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Vì thế tôi tập trung vào phát triển công nghệ, nhưng công nghệ phải hướng tới tương lai và thân thiện với môi trường.
Vậy ông đã lựa chọn sản phẩm nào để thực hiện?
- Tôi chọn một số sản phẩm để làm như Khuê Văn Các, lá đề thời Lý… Nhưng sản phẩm tôi đầu tư công sức nhất là trống đồng. Vì trong hơn 4000 năm lịch sử thì cho đến tận bây giờ không có một sản phẩm nào của nước ta có thể vượt qua trống đồng.
Trống đồng Ngọc Lũ có thể được coi là kết tinh trí tuệ của người Việt. Giai đoạn đó (2005 - 2006) trừ giới nghiên cứu còn đại chúng ít người dân biết đến trống đồng. Vì thế tôi quyết định lựa chọn sẽ làm mẫu trống đồng. Tiêu chí của tôi là khôi phục để trống đồng có thể lan tỏa, một người dân bình thường nhìn thấy cũng muốn mua và có thể mua được.
Giữa sản phẩm trống đồng ông làm ra với trống đồng cổ có điểm tương đồng và khác biệt gì?
- Trống đồng tôi tạo ra là tích hợp trên những tinh hoa của tất cả hoa văn trống đồng cổ, từ Đông Sơn, Bắc Lý đến Ngọc Lũ. Nhưng sản phẩm tôi làm ra là một trống đồng mang khuynh hướng của thời đại bây giờ. Như việc đưa thành tựu công nghệ vào để làm.
Khi quyết định theo con đường này, ông gặp những khó khăn gì?
- Tôi chỉ là dân kỹ thuật chuyển sang nghề đúc đồng thì mọi thứ phải đi lại từ đầu. Khi tôi triển lãm sản phẩm trống đồng đã thu hút được nhiều người đến xem và họ rất trân trọng. Những gì mà mình làm chưa tốt thì họ chia sẻ và cho những tài liệu để mình làm tốt hơn. Điều mà tôi vui nhất và cũng là động lực để tôi tiếp tục phát triển đó là người ta mong tôi đừng bỏ cuộc và luôn luôn động viên tôi đi tiếp. Cho đến bây giờ tôi đã mở ra được một lối đi.
Thông qua những sản phẩm làm ra, ông có mong muốn truyền tải gì tới cộng đồng?
- Tôi chỉ muốn mình góp phần nhỏ bé vào việc khôi phục, gìn giữ cho thế hệ sau những đặc trưng văn hóa của người Việt. Sản phẩm tôi làm ra tiêu chí là văn hóa Việt. Cái gì liên quan đến văn hóa Việt cần gìn giữ và phát huy thì tôi làm. Mỗi năm tôi cố gắng làm ra một vài sản phẩm có chất lượng.
Ông cho rằng vì sao nghề thủ công của chúng ta vẫn chưa thể phát triển mạnh ra thế giới?
- Hạn chế lớn nhất của làng nghề Việt là không có tiêu chuẩn về hàng hóa, tức là hàng hóa làm ra không đồng đều. Tất nhiên hiện nay thì cũng có áp dụng một số công nghệ vào có khá hơn nhưng chưa đạt được chuẩn chất lượng.
Để đạt được tiêu chuẩn thì cần có những yếu tố nào, thưa ông?
- Để đạt được những yếu tố về chất lượng hàng hóa đối với sản phẩm làng nghề thì đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà nước đó là hỗ trợ về công nghệ, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật…
Vậy theo ông giải pháp nào giúp cho sản phẩm làng nghề thuần văn hóa Việt phát triển và có sức lan tỏa?
Để làng nghề phát triển được có rất nhiều vấn đề. Muốn phát triển được thì sản phẩm phải hội nhập ra thế giới. Nếu muốn hội nhập thì việc đầu tiên là mẫu mã. Bởi mỗi một vùng miền có một nét văn hoá riêng vì thế mẫu mã phải phù hợp, những sản phẩm phải có tiêu chí nhất định. Tiếp theo đó là chất lượng sản phẩm phải đồng đều. Để đạt được những vấn đề đó thì phải có sự đầu tư về công nghệ và phải có sự định hướng về ý tưởng.
Các làng nghề, vùng nghề phải có sự quy hoạch. Để làm được việc đó cần phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới, phát huy thế mạnh của từng làng nghề và có sự chung tay của nhiều người.
Trân trọng cảm ơn ông!