Cô gái Bahnar cứu cuộc đời của hai đứa trẻ suýt bị chôn sống vì hủ tục
Gần 30 tuổi, nhưng nữ ca sĩ Y Byen của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Gia Lai vẫn chưa lập gia đình. 16 năm qua, cô gái người dân tộc Bahnar này đã quên đi hạnh phúc riêng để dành tất cả tình yêu cho những đứa con nuôi được cứu sống trong hoàn cảnh đặc biệt.
Vừa qua tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt đoàn đại biểu dân tộc thiểu số về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2. Tại đây, nữ đại biểu Y Byen (người dân tộc Bahnar, Gia Lai) đã tâm sự với chúng tôi về hai lần cứu sống các em nhỏ khỏi hủ tục lạc hậu của địa phương.
Trước đây, người dân tộc Bahnar ở tỉnh Gia Lai vẫn giữ hủ tục chôn sống con theo mẹ đã chết. Họ cho rằng, nếu không chôn con theo mẹ, thì hồn ma người mẹ sẽ về đòi con và bắt người dân trong làng.
Y Byen nhớ lại, năm 2004, tại ngôi làng ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), một phụ nữ vừa sinh con xong thì qua đời, đứa bé mới sinh sẽ phải chôn chung cùng người mẹ xấu số. Y Byen đã cùng cha mẹ của mình tức tốc đến nơi người dân đang làm lễ chôn cất, cầu xin dân làng và người thân để cho đứa bé mới sinh được sống và nhận về nhà nuôi dưỡng. May mắn cho đứa trẻ, dân làng đều đồng ý. Khi ấy, Y Byen mới 9 tuổi, chưa đủ tuổi để nhận con nuôi nên mọi thủ tục đều do cha mẹ cô làm.
“Tôi đặt tên bé trai là Y Song, nhà tôi lúc đó cũng rất nghèo, Y Song nhiều lúc phải uống nước gạo thay bữa. May sao trời thương, con vẫn mạnh khỏe và lớn lên từng ngày…”, Y Byen nhớ lại.
11 năm sau, một mối duyên mẫu tử lại đến với Y Byen. Đó là ngày 10/8/2015, trong chuyến đi biểu diễn văn nghệ ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), Y Byen nghe tin gia đình một người quen vừa nhặt được một bé sơ sinh tại nghĩa địa. Ngay lập tức, cô chạy đến với hy vọng có thể cứu được đứa bé.
Khi đến nơi, Y Byen sững người, vì sinh thiếu tháng nên bé chỉ nhỏ bằng bắp tay của mình thôi, dây rốn cũng chưa được cắt và chưa được tắm rửa, trên người chỉ quấn một chiếc áo mỏng… Xúc động không cầm nổi nước mắt, Y Byen nghẹn ngào nói: “Con ơi, từ nay con có mẹ rồi”. Và Y Byen đặt tên cho đứa bé đó là Y Sơn, với hy vọng sau này con sẽ mạnh mẽ, cao lớn như một ngọn núi.
Chia sẻ với phóng viên báo, Y Byen cho biết, đến nay cô vẫn chưa lập gia đình, một phần vì công việc, phần vì “cái duyên tình mẫu tử trời định”. Đối với Y Byen, lần đầu tiên được các bé gọi mình là “mẹ”, cô có cảm xúc thiêng liêng, khó tả, xen lẫn sự bối rối, lo âu. Mừng vì đã cứu sống được các con, lo vì cuộc sống này còn nhiều vất vả, sợ các con phải khổ…
Là ca sĩ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, lương không cao, Y Byen vẫn cố gắng trang trải cuộc sống, vừa đi làm vừa chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Ba mẹ cô giờ cũng đã già yếu, nên Y Byen là trụ cột trong gia đình. Nhưng không vì thế mà các con của cô thiếu ăn, thiếu mặc.
Giờ đây, Y Song đã là một cậu học trò lớp 7 của trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa. Còn Y Sơn cũng đã gần 3 tuổi. Niềm vui của Y Byen là mỗi khi đi làm về, được hai bé chào đón, gọi mình bằng mẹ, được chơi đùa, yêu thương các con.
Những lời cuối trong bài phát biểu của Y Byen tại buổi gặp mặt với Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Y Byen đã khiến những người có mặt thật sự xúc động: “Ngoài tình yêu thương dành cho các cháu, tôi cũng muốn gửi gắm đến dân làng, hãy bỏ những hủ tục lạc hậu để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Đừng vì những quan niệm cổ hủ mà bỏ những sinh linh bé nhỏ, tội nghiệp”.