Cảnh báo trẻ bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn

Bùi Phúc (tổng hợp) 09/12/2020 15:12

Một bé trai nguy kịch do bị sốc phản vệ sau khi ăn chiếc bánh hamburger. Các bác sĩ cảnh báo, phản ứng dị ứng với thức ăn có thể nhẹ ở lần đầu tiên nhưng có thể trở nên nặng hơn ở lần sau.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, TS Lê Quỳnh Chi, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trước đó bệnh viện đã điều trị thành công cho một bé trai (10 tuổi, ở Hà Nội) nguy kịch do bị sốc phản vệ sau khi ăn hết chiếc bánh hamburger trong tiệc sinh nhật của mình.

Qua cơn nguy kịch, gia đình ân hận kể lại: mặc dù biết con trai bị dị ứng với bột mì nhưng chưa bao giờ đưa bé đi khám, gia đình chủ quan tự tập cho bé ăn từng chút bột mì một với hy vọng cháu sẽ quen dần. Có lúc, bé đã ăn hết nửa ổ bánh mì mà không sao nên cha mẹ yên tâm và cho rằng con mình hết dị ứng.

Tuy nhiên, vào buổi sinh nhật 10 tuổi, cậu bé một mình ăn hết một chiếc hamburger. Ít phút sau, gia đình phát hiện bé nổi phát ban khắp người, sau đó xuất hiện tình trạng khó thở và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc phản vệ rồi bất tỉnh.

Tại bệnh viện, sau khi xác định được tình trạng bệnh, các bác sĩ lập tức cấp cứu bằng phác đồ sốc phản vệ/. Bé may mắn không phải lọc máu và được xuất viện sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo nhóm thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao ở trẻ như:

Trứng

Dị ứng với trứng ở trẻ em chủ yếu là do lòng trắng trứng gây ra. Tuy nhiên lòng trắng có thể lẫn vào lòng đỏ nên để an toàn nhất, các mẹ nên tránh cho bé ăn trứng khi có dấu hiệu dị ứng.

Sữa bò

Nghiên cứu cho thấy tình trạng dị ứng với sữa bò ở trẻ dưới 3 tuổi chiếm khoảng 2-3%. Nguyên nhân khiến thức uống này thành một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất là vì đây là loại thức ăn đầu tiên trẻ sơ sinh hấp thụ với số lượng lớn, đặc biệt là dưới dạng bú bình.

Đậu nành

Cũng giống như dị ứng với sữa bò, trẻ dị ứng với sữa đậu nành thường có các triệu chứng phát ban, sổ mũi, thở khò khè, tiêu chảy, nôn… do đạm đậu nành gây ra. Một số trẻ sơ sinh dị ứng với sữa bò, sau khi chuyển sang sữa đậu nành vẫn xuất hiện các dấu hiệu dị ứng. Tốt nhất là bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn loại sữa bột thích hợp cho bé.

Lạc (đậu phộng)

Trong các loại dị ứng, dị ứng lạc thường có biểu hiện nặng nề nhất. Lạc có thể gây phản ứng mạnh ngay trong lần sử dụng đầu tiên với các triệu chứng như ngứa miệng, họng, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ.

Phân biệt dị ứng thức ăn và không chấp nhận thực phẩm

Một số người sau khi sử dụng thực phẩm nào đó xuất hiện các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt… thường hay nghĩ là bị dị ứng với thực phẩm đó. Điều này không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh dị ứng thực phẩm, còn có hiện tượng gọi là “không chấp nhận thực phẩm”. Đây là hai hiện tượng khác nhau.

Dị ứng thực phẩm: Là một đáp ứng miễn dịch, các triệu chứng khó chịu như: Sưng, ngứa họng, miệng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da. Nặng hơn là khó thở, huyết áp giảm, thậm chí tử vong... xuất hiện ngay cả khi chỉ ăn lượng thực phẩm rất nhỏ. Các thực phẩm gây dị ứng có thể kể đến ngũ cốc chứa gluten, giáp xác (tôm, cua...) và các sản phẩm từ giáp xác, trứng và các sản phẩm từ trứng, cá và các sản phẩm từ cá, sữa và các sản phẩm từ sữa,…

Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da, hen, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho dai dẳng, chảy nước mũi, táo bón, ra mồ hôi, biếng ăn, giảm tập trung và ngủ kém. Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh phụ thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn, lượng thức ăn đã tiêu thụ và cơ địa của người bệnh.

Không chấp nhận thực phẩm: Thường là đáp ứng của hệ tiêu hóa với thực phẩm hơn là đáp ứng của hệ miễn dịch. Các triệu chứng khó chịu xuất hiện chỉ khi ăn một lượng lớn thực phẩm, các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với dị ứng thực phẩm. Tùy vào cơ địa nhạy cảm, một số người có thể có tính không chấp nhận thực phẩm với bất kỳ thực phẩm nào như bia, rượu, cà phê, phụ gia thực phẩm… Tính không chấp nhận thực phẩm phổ biến hơn so với tính dị ứng thực phẩm. Những triệu chứng của tính không chấp nhận thực phẩm thường chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Dấu hiệu trẻ bị sốc phản vệ, cần phải được khám sớm!

Các bác sĩ cảnh báo, phản ứng dị ứng với thức ăn có thể nhẹ ở lần đầu tiên nhưng có thể trở nên nặng hơn ở lần sau. Phản ứng dị ứng nặng có thể gây tử vong rất nhanh. Vì vậy, nếu trẻ có dấu hiệu bị dị ứng với đồ ăn như: phát ban, mặt, lưỡi hoặc môi của bé bị sưng, ói mửa, tiêu chảy, hoặc ho, khò khè, khó thở thì cần cho trẻ khám sớm để đánh giá chính xác hơn tình trạng của bé, tránh hậu quả đáng tiếc.

Lưu ý là những trường hợp dị ứng thực phẩm xuất hiện muộn hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm như lạc, tôm, cá, thì tình trạng dung nạp miễn dịch này thường không xảy ra và không nên thử dùng lại các thức ăn đã từng gây dị ứng. Tương tự, những trẻ đã từng bị sốc phản vệ do thức ăn cũng không nên thử dùng lại các thức ăn đó.

Bùi Phúc (tổng hợp)