Người sưu tầm báo ở Thành Nam
Đến giờ tôi vẫn còn cảm giác ngạc nhiên, thú vị khi nghe anh Nguyễn Phi Dũng nói đang giữ nhiều báo Cứu Quốc số đặc biệt, rồi đứng dậy tìm trong kho báo cũ anh dày công sưu tầm trong nhiều năm qua, đưa cho tôi tờ báo Cứu Quốc số Xuân năm Quý Mùi, xuất bản ngày 5/1/1943.
Ngạc nhiên vì lâu nay nhiều người ở Nam Định, trong đó có tôi chỉ biết Nguyễn Phi Dũng là một doanh nhân, ông chủ của Công ty máy tính Phi Dũng. Phải đến khi “lạc” vào kho báo cũ của anh, trò chuyện với anh mới biết anh còn là một nhà sưu tầm đồ cũ nổi tiếng trong giới, nhất là sưu tầm báo cũ. Anh dành riêng một phòng lớn trong trụ sở công ty để chứa, trưng bày báo cũ, các loại. Trong đó, có cả những tờ báo đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam, bằng tiếng Việt như tờ Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn); những tờ báo cách mạng thời kỳ đầu như Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Vui Sống…; những tạp chí văn hóa, văn học nổi tiếng một thời như Phong Hóa, Ngày Nay…
Với tôi, ngạc nhiên, thú vị còn vì làm việc ở báo Đại Đoàn Kết, tôi đã được nghe kể nhiều về lịch sử, truyền thống của báo, biết rõ tiền thân của báo là báo Cứu Quốc do Mặt trận Việt Minh xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám nhưng đến giờ, nhờ anh Phi Dũng mới lần đầu được nhìn thấy, cầm tờ báo trên tay, lại là số Xuân của thời kỳ đầu tiên. Với nhiều người, tờ báo cũ thì cũng chỉ là tờ báo cũ, có gì đâu? Nhưng với anh Phi Dũng và những người đam mê sưu tầm báo cũ như anh, những tờ báo cũ, nhất là những số đầu tiên mang một giá trị đặc biệt. Anh cất giữ cẩn thận trong túi nilong, khi cần lấy ra thì nâng niu, ve vuốt chúng. Cũng phải thôi, cầm nó, đọc nó, ngoài ý niệm về thời gian, người đọc hôm nay có cảm giác như được sống, được “thở” cùng đời sống xã hội thời điểm tờ báo được xuất bản. Ví như, khi lần giở tờ báo Xuân của báo Cứu Quốc, tôi ngạc nhiên khi biết, trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn, viết, in ấn thủ công nhưng cách nay gần 80 năm, những nhà cách mạng làm báo khi ấy đã làm tờ báo dầy tới 16 trang. Nội dung xuyên suốt trong các trang là cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết xung quanh Việt Minh để chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong đó, ở bài xã luận trang 2 có tên “Năm Mới”, sau khi phân tích những điều kiện thế giới và trong nước đang rất thuận lợi cho khởi nghĩa, giành chính quyền, cuối bài Cứu Quốc viết: “Hỡi đồng bào! Hãy chuẩn bị đón lấy những dịp tốt đẹp đột nhiên sẽ đến. Thời cuộc thế giới sẽ mau giúp chúng ta thoát khỏi xiềng xích của Nhật-Pháp. Nhưng chúng ta không có quyền ỷ lại. Tự do không xin mà được. Tự do phải chiến đấu mà giành lấy! Bước sang năm mới, đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ. Dưới lá cờ của Việt Nam độc lập đồng minh, chúng ta hãy mạnh mẽ tiến bước trong năm mới đầy hứa hẹn vinh quang!”.
Các trang trong, Cứu Quốc có những bài rất thời sự, tính tố cáo, chiến đấu rất cao như: “Gạo Việt Nam phải để nuôi người Việt Nam” (trang 4); “Sinh hoạt đắt đỏ trách nhiệm thuộc về ai? (trang 12); “Phản đối tăng thuế, chị em các chợ Hà Nội nghỉ bán hàng” (trang 14). Đặc biệt, trên trang 6, Cứu Quốc có mục “Mỉa mai”, chọn những việc làm thể hiện giã tâm của thực dân, phát xít để châm biếm, mỉa mai với những lời lẽ rất sâu cay. Đặc biệt, ở trang 16, Cứu Quốc đăng danh sách, số tiền người dân tỉnh Thái Bình ủng hộ Quỹ Cứu Quốc, thêm một lần nữa cho thấy ở thời điểm đó nhân dân Việt Nam rất đồng lòng, ủng hộ Việt Minh đánh đuổi thực dân, phát xít xâm lược.
Trò chuyện với anh Nguyễn Phi Dũng mới hay, để thỏa mãn đam mê, sở hữu được những tờ báo cũ như báo Cứu Quốc kể trên, những người như anh phải bỏ ra số tiền cả chục triệu đồng, dày công sưu tầm mới có. Vậy nhưng nơi nào cần, trân trọng, nâng niu những giá trị xưa cũ đó, các anh vẫn sẵn sàng hiến tặng. Ví như ngày 18/11/2020 vừa qua, nhân dịp Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “Báo chí Việt Nam 1865-2020: Những ấn phẩm đầu tiên”, Nguyễn Phi Dũng đã hiến tặng Bảo tàng bản gốc tờ báo Vui Sống đầu tiên, phát hành năm 1946; tờ báo Độc Lập số 22, năm 1950, phát hành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tờ Lao Động xuất bản năm 1952, trong đó có bài “Tin tưởng vào Đảng” của nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt.
Kể thêm một chút về doanh nhân, nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng. Anh quê làng Hành Thiện (Xuân Trường-Nam Định), ngôi làng từ xưa đã nổi tiếng Sơn Nam Hạ vì sinh ra rất nhiều người con giỏi giang, thành đạt, từ nhà chính trị đến các nhà trí thức, tướng lĩnh.
Đặc biệt là Tổng Bí thư Trường Chinh và ông chính là người đã sáng lập, làm Chủ bút báo Cứu Quốc những ngày đầu. Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính-Vật giá, Nguyễn Phi Dũng về làm việc tại Nhà máy Dệt lụa Nam Định. Đất nước đổi mới, anh ra ngoài, lập cửa hàng máy tính rồi phát triển thành Công ty máy tính Phi Dũng “ăn lên làm ra” như ngày nay. Anh tự nhận mình là “dân buôn”, đam mê thứ nhất là những con số có tính lỗ lãi (doanh nhân mà) nhưng lại “sở hữu” dáng người dong dỏng, đeo kính cận, tóc dài lòa xòa, bạc phơ nhìn giống như một giáo sư. Anh kể, mới đây, khi anh gặp lại bạn học thủa nhỏ ở TP Nam Định là Giáo sư, Tiến sỹ Toán học Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập và từng là Tổng Giám đốc tập đoàn công nghệ FPT, mọi người cùng dự đều bảo nhiều khi “hình thức đánh lừa nội dung”, vì Nguyễn Thành Nam là giáo sư, tiến sĩ nhưng đầu lại trọc, nhiều người tưởng là “đầu gấu”; còn Nguyễn Phi Dũng là “dân buôn” nhưng đeo kính cận, tóc tai lòa xòa, bạc trắng làm nhiều người tưởng là giáo sư. “Nhưng chúng tôi giống nhau ở chỗ luôn muốn làm việc hết mình với những đam mê của mình”, Nguyễn Phi Dũng chia sẻ.