Xin không hiện đại
Thay vì ráo riết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí tự động không dừng, để đảm bảo tính minh bạch, tránh thất thoát ngân sách, Bộ GTVT lại đề xuất xin “miễn” cho một số “trường hợp đặc biệt”.
Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép không triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) tại 7 dự án BOT ở quốc lộ 3, quốc lộ 51, quốc lộ 91 và ở Cà Mau. Lý do mà Bộ GTVT đưa ra để thuyết phục Thủ tướng cho phép không lắp đặt ETC là: Một số trạm thu phí có doanh thu quá thấp, số khác thời gian thu phí còn lại ngắn dưới ba năm và có trạm chưa được thu phí (Bộ GTVT cũng đang xin dùng tiền thuế của dân để “mua” lại).
Bộ GTVT lý luận: Việc triển khai ETC tại các trạm này sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án ETC, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến đường có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc. Điều đó có nghĩa, “một vài xe” có dán tem ETC đến đây cần thông cảm, tạm chấp nhận sự bất tiện.
Để tăng tính thuyết phục, Bộ GTVT hứa sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác thu phí (cơ học, bằng tay) đảm bảo tính công khai, minh bạch tại các trạm thu phí này. Trong khi trước đó, rất nhiều lần Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được phép khất lần nữa, đến hết ngày 31/12/2020, Bộ GTVT và các địa phương buộc phải hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC trên toàn bộ các trạm thu phí.
Trước đề xuất của Bộ GTVT, không chỉ có các trạm thu phí khác (bao gồm cả các trạm BOT) mà dư luận xã hội cũng hết sức bức xúc vì cơ quan quản lý nhà nước đang có sự phân biệt đối xử giữa các đơn vị. Những lý do mà Bộ GTVT đưa ra để lý giải cho việc kiến nghị Thủ tướng cho phép không lắp đặt hệ thống ETC tại một số “trạm thu phí đặc biệt” không hề thuyết phục, khiến các trạm thu phí BOT khác chạnh lòng, bì tị.
Việc lưu lượng xe thấp, doanh số không cao, thời gian thu phí còn ngắn... không phải là lý do chính đáng để có thể được “ưu đãi đặc biệt”. Bởi lẽ, khi ký hợp đồng BOT giao thông với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp buộc phải khảo sát và lường trước được tuyến đường mà họ đầu tư xây dựng, nâng cấp có lưu lượng xe qua lại là bao nhiêu, có đảm bảo thu hồi vốn hay không, thời gian thu hồi vốn là bao lâu...
Nếu không lường trước được các thông số kỹ thuật vừa nêu thì lỗi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư chứ không thể “bắt” Chính phủ hay người dân phải chịu trách nhiệm. Hay vì đã lường được lưu lượng xe qua lại thấp, doanh số không cao... nhưng có sự nhấm nháy nào đó giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước nên cả hai mới “nhắm mắt” ký hợp đồng BOT giao thông?
Nghi ngờ trên cũng hoàn toàn có cơ sở, khi mà các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra hàng trăm năm thu phí thừa, hàng nghìn tỷ đồng quyết toán vượt so với thực tế thi công. Không có sự chung chi, “bắt tay” chia chác giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, vì sao vốn đầu tư bị đội khống lên hàng nghìn tỷ đồng, kéo dài hàng trăm năm thu phí? Lẽ nào các cơ quan quản lý nhà nước thực sự bị doanh nghiệp “bịt mắt”?
Càng không thể chấp nhận được khi các cơ quan quản lý nhà nước, từ Bộ GTVT đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cứ “ký đại” các hợp đồng BOT giao thông, để rồi sau đó “ăn vạ” Chính phủ. Chính Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã từng nhiều lần kiến nghị Chính phủ, thậm chí kiến nghị cả Quốc hội chi tiền ngân sách, mà thực chất là tiền thuế của dân ra để mua lại những dự án BOT chủ đầu tư khó thu hồi vốn.
Giờ đây, khi chưa nhận được cái gật đầu của cơ quan có thẩm quyền về việc dùng tiền thuế của dân để sửa sai cho ngành giao thông và các địa phương, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng xin được “không hiện đại” ở một số trạm BOT. Dư luận đặt vấn đề: Việc Bộ GTVT xin Thủ tướng đồng ý không lắp đặt ETC tại một số trạm BOT liệu có phải vì những lý do cơ quan này đưa ra, hay thực chất vấn đề chính là có lợi ích nhóm?
Bác Hồ từng nói, cán bộ chính là các công bộc của dân. Vậy thì với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GTVT trước tiên phải nghĩ đến lợi ích của người dân, sau đó mới đến lợi ích của doanh nghiệp. Tất nhiên, để thu hút vốn đầu tư XHH, cần phải cân bằng lợi ích 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Song, ngay cả khi XHH cũng không có nghĩa các cơ quan quản lý lơ là, bỏ qua lợi ích hợp pháp của người dân, ưu tiên doanh nghiệp.
Chủ trương lắp đặt hệ thống thu phí ETC chính là một nỗ lực của Chính phủ trong việc công khai, minh bạch để tránh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không chỉ vậy, hệ thống ETC còn là xu hướng chung của thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0, giảm bớt sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi lưu thông trên đường. Vậy thì có lý gì để Bộ GTVT xin Thủ tướng cho phép “không hiện đại”, lẽ nào lại đúng như dư luận nghi ngờ?