Cô gái đầu tiên đăng ký thử vaccine Covid-19 Việt Nam
N.L.P., 25 tuổi, nhận tờ đơn đăng ký thử nghiệm, đọc kỹ hướng dẫn rồi hít một hơi sâu, dứt khoát điền thông tin cá nhân.
Cô gái quê ở Bắc Ninh, đang là học viên cao học y khoa, có mặt tại Học viện Quân y từ sáng sớm 10/12. Là người đầu tiên đăng ký tiêm vaccine, cô gái 25 tuổi, ở Bắc Ninh cho biết, dù ngại và sợ nhưng cô có niềm tin vào thử nghiệm lần này.
Hôm nay, hai đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 Nanocovax là Nanogen và Học viện Quân y bắt đầu tuyển tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn một. Mục đích thử nghiệm giai đoạn này là theo dõi tính an toàn của vaccine.
Có hai cách thức đăng ký, gồm đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và Tương đương sinh học, Học viện Quân y ở Hà Nội; đăng ký qua điện thoại, qua email hoặc qua trang web của Nanogen. Giai đoạn một cần 60 tình nguyện viên, hiện đã nhận được thông tin 30 người đăng ký trong buổi sáng.
N.L.P. là một trong những người đầu tiên đăng ký trực tiếp tại Học viện Quân y. Cô từng làm công việc nghiên cứu về Covid-19, vì vậy hiểu rõ mức độ nguy hiểm của đại dịch. Cũng vì là người hiểu biết về SARS- CoV-2 nên P. thừa nhận bản thân khá e ngại khi là một trong những người đầu tiên tiêm thử nghiệm, bởi "sẽ có rủi ro" sau khi tiêm không thể dự đoán. Nhưng trên hết cô gái trẻ có niềm tin.
Do đó, P. nói rằng sẵn sàng đăng ký thử nghiệm lâm sàng, bắt lấy cơ hội trở thành người đầu tiên được bảo vệ. Bên cạnh đó, cô mong muốn tìm hiểu thêm về nCoV, vaccine thông qua thử nghiệm lâm sàng.
"Tại Việt Nam, công tác phòng ngừa dịch bệnh rất tốt, không có ca tử vong trực tiếp do Covid-19. Tuy nhiên, dịch đã lan tràn trên khắp thế giới, khiến nhiều người tử vong rồi", cô cho biết.
Chia sẻ về rủi ro thử nghiệm lâm sàng, cô gái cho biết: "Nếu nói không ngại và không sợ thì không phải. Nhưng tôi có niềm tin. Giả sử thử nghiệm có phản ứng phụ, tôi sẽ được chăm sóc sức khỏe đầu tiên. Nếu thử nghiệm không tốt, tôi có thể dừng bất cứ lúc nào".
Cô cũng cho biết đã được tư vấn, giải đáp, được tiêm những gì vào cơ thể và thử nghiệm với đối tượng như thế nào, nguy hiểm đến đâu, kế hoạch khám sức khỏe sau khi đăng ký.
"Tôi có niềm tin. Học viện Quân y cũng đã sẵn sàng cho những tình huống như vậy. Nếu xảy ra trường hợp đó, tôi sẽ là người được chăm sóc sức khoẻ đầu tiên. Nếu thử nghiệm không tốt, tôi có thể dừng lại bất cứ lúc nào”, P. nói.
"Nếu vaccine Covid-19 của Việt Nam thành công, đây là điều tuyệt vời nhất. Tôi sẽ được bảo vệ đầu tiên, không mất phí và được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, đồng thời là một trong những người đầu tiên góp công sức vào quá trình này".
Cũng đến đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19, em H.T.V., 21 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ, trước khi đến đây em đã xin ý kiến gia đình và được bố mẹ ủng hộ.
“Em thấy khá hồi hộp và có chút lo lắng. Em tin rằng thử nghiệm lần này sẽ thành công. Chỉ khi có vaccine thì dịch mới được kiểm soát, cuộc sống của mọi người mới trở lại bình thường như trước”, V. nói.
Cam kết an toàn
Theo GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị cho công tác thử nghiệm vaccine, học viện chuẩn bị sẵn một hệ thống trang thiết bị như tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine Nanocavax trong điều kiện nhiệt độ từ -2 đến -8 độ C.
Học viện cũng bố trí khoảng 24 giường bệnh với nhiều bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn cao, túc trực 24/24 để chăm sóc về dinh dưỡng, sức khoẻ cho các tình nguyện viên. Ngoài ra, kíp trực cũng sẵn sàng can thiệp nếu các tình nguyên viên có những phản ứng không mong muốn.
Tuy nhiên, GS Quyết cũng khẳng định, giai đoạn thử nghiệm vaccine lần này tại Học viện Quân y, tính an toàn phải đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi cam kết, nếu không an toàn, Học viện Quân y sẵn sàng độc lập và đề nghị không thực hiện. Học viện sẽ cố gắng không để xảy ra những tai biến không mong muốn. Chúng tôi không đổi an toàn của người Việt Nam, của cộng đồng với bất cứ thứ gì khác”, GS Quyết khẳng định.
Theo ông Đỗ Minh Sỹ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen, trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm, đơn vị cũng đã tính toán tới những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí lường trước tới những tai biến có thể ảnh hướng tới tính mạng theo quy định thử nghiệm lâm sàng khi thiết kế đề cương lâm sàng. Vì vậy, đơn vị này và Học viện Quân y đã chuẩn bị sẵn sàng các bước và ê kíp sẵn sàng xử trí nếu có.
Ngoài ra, Nanogen cũng chuẩn bị cho tình nguyện viên 2 phương án xử trí. Đầu tiên đơn vị sẽ ký hợp đồng với hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm cho các tình nguyện viên phòng những tình huống xấu nhất. Tiếp đó, Nanogen cũng ký với ngân hàng để có những chính sách bồi thường cho họ trong trường hợp xảy ra những sự cố không mong muốn mà bảo hiểm không chi trả.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết các điều kiện tình nguyện viên cần có gồm: từ 18 đến 50 tuổi; khỏe mạnh, các chỉ số huyết học, sinh hóa bình thường; hoàn toàn tình nguyện, tham gia theo nguyện vọng cá nhân; không chịu áp lực về sức khỏe, tài chính, hành chính; hiểu và nắm rõ bảng thông tin, nguyên tắc thử nghiệm. Các ứng viên còn cần đáp ứng những tiêu chí đặc thù khác.