Tốp 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới: Thủ tướng Đức vẫn đứng đầu

10/12/2020 21:02

Năm thứ 10 liên tiếp, Thủ tướng Đức Angela Merkel không chỉ giữ vững phong độ đứng dầu danh sách, mà còn đánh dấu tổng số lần được vinh danh trong bảng xếp hạng của bà lên đến lần thứ 15.

Tạp chí Forbes đã công bố bảng xếp hạng thường niên lần thứ 17 về “100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới” (2020) nhằm vinh danh các nữ lãnh đạo, doanh nhân, CEO đang sử dụng quyền lực và nguồn lực của mình để tạo ra tác động tích cực lâu dài trên toàn thế giới.

Giữ 23/100 vị trí, năm nay đánh dấu một năm các nữ chính trị gia trở thành tâm điểm của thế giới với những thành tựu đạt được cũng như khả năng xử lý khủng hoảng tuyệt vời, lèo lái đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo trong danh sách “100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới” năm nay đang vươn lên để giải quyết những thách thức chưa từng có của năm 2020.

“Từ nữ Phó Chủ tịch đầu tiên được bầu của Forbes đến nữ CEO đầu tiên sắp tới của một ngân hàng ở Phố Wall, những phụ nữ trong bảng xếp hạng này đang định hình lịch sử theo những cách chưa từng có," Maggie McGrath, Biên tập viên của ForbesWomen bày tỏ.

Đây là năm thứ 10 liên tiếp, Thủ tướng Đức Angela Merkel không chỉ giữ vững phong độ đứng dầu danh sách, mà còn đánh dấu tổng số lần được vinh danh trong bảng xếp hạng của bà lên đến lần thứ 15.

Theo sau là Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, giữ vị trí thứ hai trong hai năm liên tiếp. Năm nay, vai trò của Christine quan trọng hơn bao giờ hết khi bà tìm cách hạn chế sự suy thoái kinh tế dài hạn do đại dịch, đồng thời thiết lập một chương trình nghị sự đầy tham vọng về khí hậu và giải quyết các vấn đề xoay quanh câu chuyện bất bình đẳng giới muôn thuở.

Tiếp theo ở vị trí thứ ba là Kamala Harris, cái tên sáng giá nhất đáng tự hào khi liên tục phá vỡ rào cản, tạo nên những lần đầu tiên mà theo như cách nói của bà thì “Tôi sẽ không phải là người cuối cùng” (làm nên những kỳ tích này)." Cụ thể, Kamala Harris trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho phụ nữ da màu nói riêng mà nữ giới nói chung, khi trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên làm Phó Tổng thống Mỹ.

Bên cạnh đó, khi mối quan tâm lớn của thế giới đang xoay quanh đại dịch, vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong nền kinh tế Covid-19 càng được chứng tỏ sự hiệu quả. Đơn cử như Karen Lynch (vị trí thứ 38) - Giám đốc điều hành sắp tới của Tập đoàn chăm sóc sức khỏe toàn cầu CVS Health, người sẽ phụ trách cung cấp các công cụ xét nghiệm Covid-19, mà còn tiên phong ở đợt cung cấp vắcxin toàn cầu ngay khi thử nghiệm thành công.

Dù trận chiến chống lại Covid-19 sẽ còn kéo dài và đầy thách thức nhưng các nữ lãnh đạo này đã thể hiện chiến lược đúng đắn của họ khi số người tử vong liên quan đến Covid ít hơn. Họ có xu hướng hành động quyết đoán trong việc chống lại căn bệnh này.

Theo đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (vị trí thứ 32) ngăn chặn lây lan cộng đồng trong bằng việc ban lệnh lockdown cả nước ngay từ những ngày đầu tiên; Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (vị trí thứ 85), người đã đưa ra các biện pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan của đại dịch toàn cầu…

Sự nỗ lực của họ không chỉ gây chú ý như những mô hình lãnh đạo đầy năng lực, mà còn cung cấp cho thế giới một kế hoạch chi tiết để vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Hơn thế nữa, điều này còn truyền đi tín hiệu rằng việc cân bằng giới trong lãnh đạo có thể giúp chúng ta xây dựng đất nước tốt hơn.