Đẩy nhanh công nghệ số
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, 80% các trường phổ thông đã áp dụng hình thức dạy trực tuyến, 240 cơ sở đào tạo ĐH đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến theo các mức độ khác nhau. Điều này cho thấy, thời gian qua cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đã dần thích ứng với môi trường học tập số. Và việc này cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Nhiều người cho rằng Covid-19 vừa là áp lực, nhưng đồng thời cũng là cú hích với ngành giáo dục. Bởi sau một thời gian dạy- học trực tuyến, những đánh giá bước đầu cho thấy, hình thức này đáp ứng phần nào chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”; cải thiện khả năng ứng dụng CNTT của giáo viên và tính tự giác, tự học của học sinh; làm cho mối liên hệ giữa phụ huynh- giáo viên và nhà trường trở nên thường xuyên hơn.
Nhưng cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 – 2025, đại diện Bộ GDĐT nêu lên 4 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GDĐT; Thứ hai, phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Thứ ba, xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông: Thứ tư, phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cùng với đó, yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng vừa được đề cập trong hội thảo diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, việc chuyển đổi số trong GDNN được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi và tăng trưởng GDP bền vững.
TS Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng ngồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải hành động rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.
Như vậy, cần sớm có những giải pháp đồng bộ, cũng như chính sách phù hợp cho các cơ sở đào tạo có thể chuyển đổi sang mô hình đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm khai thác tối đa ưu điểm của hình thức đào tạo này. Làm sao để dạy và học trực tuyến tới đây sẽ được coi là một phần quan trọng của hoạt động dạy - học, chứ không chỉ là giải pháp tình thế.
Chuyển đổi sang công nghệ số đầu tiên là nhằm vào giới trẻ, để Việt Nam sớm có một thế hệ công dân toàn cầu. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, khả năng tiếp cận CNTT tốt, cùng với việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam, đây sẽ là cơ hội tốt để tiếp cận và ứng dụng thành công các công nghệ mới.