Hiệu quả những mô hình nông nghiệp hữu cơ
Mùa này lên Hàm Yên – vựa cam của tỉnh Tuyên Quang, những vườn cam bắt đầu chín vàng, sai lúc lỉu. Điều đáng mừng là nhiều nông dân đang dần chuyển sang sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Và không chỉ có cam Hàm Yên, thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng thành công mô hình sản xuất sạch...
3 năm nay anh Tô Văn Quý, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên đã không còn sử dụng các loại phân vô cơ bón cho vườn cam của gia đình. Thay vào đó anh sử dụng phân chuồng với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cam đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên tổ cam hữu cơ.
Theo anh Quý, ưu điểm của phương pháp hữu cơ là bảo vệ sức khỏe cho người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên. Vụ cam năm 2019 gia đình anh có hơn 600 gốc cam sản xuất theo hướng hữu cơ cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg, số tiền anh thu về là hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, giá cam bình thường được bán với giá 6-7.000đồng/kg.
3 năm trước, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang triển khai mô hình sản xuất cam hữu cơ trên địa bàn huyện Hàm Yên với diện tích trên 30 ha. Tham gia mô hình các hộ dân được tập huấn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ từ việc chăm sóc cây trồng, các biện pháp phòng trừ dịch hại theo phương pháp hữu cơ. Ngoài ra các hộ dân được tổ chức sản xuất theo nhóm và liên nhóm và sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo đó, liên nhóm đã kết nối được với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với cam kết thu mua các sản phẩm hữu cơ với giá cao hơn nhiều thị trường.
Hàm Yên chỉ là một trong nhiều địa phương đang thành công trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất hữu cơ. Một mô hình nữa cũng rất thành công đó là rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn – Hà Nội). Theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), xã có 26 nhóm với 157 thành viên tham gia sản xuất rau hữu cơ trên diện tích 34ha.
Quá trình sản xuất rau an toàn, các nhóm này phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không” trong quá trình trồng rau. Nông dân đã có thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng. Bù lại, rau hữu cơ cho thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống của gia đình. Trung bình mỗi tháng, các nhóm đưa ra thị trường 60-80 tấn rau, củ, quả với giá cao hơn gấp đôi thị trường, mang về những khoản thu nhập ổn định cho người dân.
Mặc dù sở hữu nhiều vùng trái cây, rau củ quả đặc sản, tuy nhiên, tại nhiều địa phương do sản xuất theo số lượng, lạm dụng phân bón, hóa chất, đã làm chất lượng nông sản giảm, đất bị thoái hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm... Do vậy, sản xuất theo định hướng hữu cơ đang có cơ hội trở lại. Sau khi chuyển đổi và chuyển đổi thành công, hầu hết người dân được hỏi đều cho rằng sẽ tiếp tục duy trì mô hình này và nhân rộng bởi nó chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và cũng là bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân khi họ canh tác trong môi trường an toàn và nói không với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
Hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp hữu cơ có thể thấy rõ. Tuy nhiên, nhiều người tham gia mô hình này cho biết, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng…Trong khi Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên người sản xuất vẫn phải tự mày mò, tìm hiểu.
Khâu tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn khi trên thị trường vẫn còn hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Ngoài ra, thu nhập của một bộ phận người dân vẫn ở mức trung bình, vì vậy bỏ ra 40 ngàn đồng để mua 1 kg cam VietgaPH hay 10 ngàn đồng để mua một mớ rau…thì cũng không dễ dàng gì.