Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp cần vượt nhiều rào cản

Minh Phương 11/12/2020 07:07

Thiếu sự liên kết, thiếu thông tin thị trường cũng như thông tin về nhà cung cấp, sản xuất... chính là nhưng trở ngại khiến doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Triển lãm Công nghệ hỗ trợ thu hút nhiều DN tham gia.

Nhận định này được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại hội thảo “Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Bộ Công thương tổ chức sáng 10/12 tại Hà Nội.

Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là cơ hội để các DN Việt có thể tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo bà Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, và khi phát triển ngành này, cơ hội của chúng ta tham gia vào sân chơi toàn cầu là trong tầm tay.

“Chúng ta có nhiều lợi thế trong cuộc chơi này, đó là có đội ngũ kỹ sư mạnh. Lợi thế thứ hai là chúng ta không dập khuôn mà làm sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, hoàn toàn khác biệt với những gì sẵn có. Ngoài ra, với bờ biển dài hơn 3000 km, đây là lợi thế để phát triển ngành logitstics của Việt Nam” – Bà Bình nhấn mạnh.

“Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, vẫn còn khá nhiều rào cản khiến các DN Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng” – bà Bình nhận định. Cụ thể, điểm yếu của các DN ngành công nghệ hỗ trợ của chúng ta hiện nay là vẫn thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp, như tiêu chuẩn ISO 9001, IS 14001, IATF 16949, ISO về an toàn lao động và trách nhiệm xã hội. “Với các DN nhỏ và vừa của chúng ta hiện nay, nếu khách hàng đặt làm đơn hàng nhỏ thì có thể đáp ứng được, tuy nhiên những đơn hàng lớn là khó” – bà Bình nêu quan điểm.

Trong sân chơi toàn cầu, những tiêu chuẩn đặt ra rất cao. Chúng ta rất cần sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa các DN. Mỗi DN làm một công đoạn, chuyên sâu thì mới đảm bảo được các yêu cầu của khách hàng vấn đề về chất lượng, giảm chi phí. Đơn cử như để hoàn thiện một chiếc ô tô, ngay cả các nước phát triển cũng không thể có một công ty nào làm được môt sản phẩm hoàn chỉnh từ đầu đến cuối mà cần có sự liên kết hỗ trợ nhau, tuy nhiên với các DN Việt Nam sự liên kết này chưa cao. Đó là điểm yếu của chúng ta lâu nay.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường, sản phẩm, thiếu thông tin về nhà cung cấp, sản xuất... cũng là những trở ngại khiến DN khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nêu ra những hạn chế mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới nếu muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hạn chế thứ nhất là sự thiếu liên kết giữa ngành có xu hướng xuất khẩu với sự dẫn đầu là các DN FDI và các DN nội địa quy mô nhỏ.

Ngoài ra, hạn chế về trình độ tay nghề cũng đang là điểm nghẽn khiến các DN Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DN bày tỏ, họ có mong muốn cung ứng dịch vụ cho DN FDI song việc đầu tiên họ cần làm là phải thuê tuyển những kỹ sư, quản lý từ Hàn Quốc, Trung Quốc... có tay nghề cao để đáp ứng được yêu cầu của công việc.

“Số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ôtô rất đông, song sau 1 năm chỉ có khoảng 5 công ty có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành này, trong khi ngành cơ khí con số này là 7, với ngành điện tử chỉ có 2 DN mới có thể tham gia chuỗi cung ứng” – Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ Việt Nam cho biết.

Minh Phương