Đám đông livestream và sự vô cảm trong đám tang nghệ sĩ Chí Tài
Ngày 9/12, nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ. Tối cùng ngày, hàng loạt streamer, youtuber chờ đợi ở khu vực Trung tâm pháp y, nơi lưu giữ thi thể nghệ sĩ để quay phim, chụp ảnh câu "like". Hành động này thể hiện sự vô cảm trước nỗi đau của người khác trong một bộ phận người Việt hiện nay.
Lối sống vô cảm có thể gọi là “căn bệnh” tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình.
Nhiều hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đang biểu hiện một cách phũ phàng đến chân thực cái lối sống vô cảm của một bộ phận người Việt hiện nay. Là khi chúng ta vội vàng đi qua những đứa trẻ đang co ro trong giá rét, tay cầm sọt đồ có vài ba thứ như bông tăm, kẹo cao su, móc chìa khoá,… để mời chào người mua, “lướt qua” những cuộc va chạm xe cộ, người bị thương đang nằm đó.
Hay ở một mức độ cao hơn là thái độ lạnh lùng trước sự đau thương, mất mát của người khác. Mà đó, những streamer, youtuber đang lấy hình ảnh của người đã mất để đăng tải nhằm tăng sự tương tác.
Hay là sự vô cảm của con người trong những hoạt động liên quan đến kinh tế, bất chấp hậu quả to lớn nhưng vẫn làm. Những kẻ phá rừng, lấy gỗ mặc kệ hậu quả để lại cho người dân là những trận lũ lụt, sạt lở đất kinh hoàng. Hay những nhà máy sản xuất nhưng không quan tâm đến xử lý chất thải, ngang nhiên xả thải nghiêm trọng ra mội trường mặc kệ sự ô nhiễm,…
Trào lưu “makeno” (mặc kệ nó) tưởng chừng như đơn giản nhưng là sự đáng báo động về lối sống vô cảm của con người hiện tại.
Mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người Việt Nam, trong đó có lối sống vô cảm.
Lối sống vô cảm một phần đến từ thói ích kỷ của con người, khi con người gia tăng tính cá nhân, lợi ích cá nhân, khi con người suy nghĩ nhiều hơn về cái lợi của mình trước khi nghĩ đến lợi ích của tập thể, của xã hội.
Lối sống “vô cảm” cũng đến từ những áp lực “vô hình” từ công việc, tiền bạc, danh vọng,.. trong cuộc sống. Khi chúng ta “mải mê” bị “cuốn” theo những áp lực trên, chúng ta không còn thời gian quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hay chỉ đơn giản là quan tâm đến gia đình của chúng ta, và dần chúng ta bị thờ ơ với mọi điều trong cuộc sống.
Có nhiều khi, chúng ta sẽ bị cuốn vào công việc hoặc vào thế giới của không gian mạng để cập nhật tin tức, để trao đổi với mọi người với biện minh là “chúng ta đang làm việc”.
Thể hiện rõ rệt nhất là hình ảnh những người bạn cùng ngồi uống cafe nhưng mỗi người một chiếc điện thoại, say mê lướt trên không gian mạng mà không quan tâm đến những người xung quanh. Hay hình ảnh bố mẹ mải miết với điện thoại và đưa cho con chiếc ipad, vậy là mỗi người lại tập chung vào không gian riêng của mình, dần thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Lối sống vô cảm cứ âm thầm len lỏi vào cuộc sống của chúng ta.
Làm gì để đẩy lùi lối sống “vô cảm”? Điều này chỉ phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Hãy sống với mục đích sống đúng đắn, sống tử tế, sống có lòng nhân ái, sống với tấm lòng bao dung. Chúng ta cần có sự chia sẻ, thông cảm với nhau, dành cho nhau sự quan tâm chân thành. Đừng để cuộc sống hiện đại với bộn bề lo toan “cuốn” đi mất những điều nhỏ nhặt nhưng đáng trân quý.
Chúng ta hãy thực hiện những điều này từ chính gia đình của mình. Hãy cùng dành cho những thành viên trong gia đình thời gian quan tâm, chia sẻ thật sự mỗi ngày, dạy cho con những điều ấm áp trong cuộc sống. Chỉ cần chúng ta biết cách yêu thương, quan tâm người khác, trân trọng suy nghĩ, cảm xúc của người khác thật sự, ít nhất sự vô cảm sẽ không có cơ hội “chen chân” vào cuộc sống của chúng ta.