‘Kỷ luật tích cực’ để yêu thương nhau hơn
Sau vụ việc nữ sinh tự tử ở An Giang, dư luận cho rằng cần thay đổi quan niệm về hình thức xử lý kỷ luật học sinh trong nhà trường hiện nay.
Bởi với học trò đang tuổi lớn, đòn “tâm lý” còn đáng sợ hơn roi vọt, và chưa ai lường hết được hậu quả. Các chuyên gia bàn nhiều đến “kỷ luật tích cực” - phương pháp giáo dục giúp các em nhận thức hành vi chưa chuẩn, đồng thời qua đó cả thầy và trò đều yêu thương nhau hơn.
Hãy là kỷ luật tích cực
Cô Hiền Lương - giáo viên Trường THCS Thăng Long, Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều giáo viên sử dụng hình thức kỷ luật là làm học sinh sợ để mà học. Cô Hiền Lương cũng là người đã tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Dù yêu thương học sinh như con, song cô từng có những lời nói, hình phạt làm tổn thương các em. Được tập huấn, trải nghiệm từ chương trình trên, cô đã ý thức sâu sắc về kỷ luật tích cực trong trường học, trở thành giáo viên tư vấn tâm lý cho các em.
Cô Hiền Lương chia sẻ: Tôi đã có những hình thức nhắc nhở riêng, gặp riêng hoặc viết thư khiến cho trò không còn cảm giác sợ hãi hay bức xúc về lỗi của mình và học trò sẵn sàng chia sẻ hết với thầy cô. Giáo viên đừng để học sinh sợ mình mà học, mà hãy làm học sinh thích mình mà học.
Còn cô Hồ Thuận Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám- Hà Nội cho rằng: Giáo dục phải bắt nguồn từ tình thương đặc biệt với những học sinh trót có những sai lầm, vi phạm. Người thầy cần có sự bao dung, thấu hiểu từ đó có biện pháp giáo dục tác động đến học sinh cho phù hợp, đủ độ tinh tế để học sinh có thể thay đổi bản thân mình.
Các thầy cô giáo mà chúng tôi gặp đều đồng quan điểm cho rằng, học sinh mắc lỗi, chắc chắn phải bị phê bình, kỷ luật. Nhưng mức độ kỷ luật, cách thức kỷ luật như thế nào sẽ quyết định học sinh có thực sự nhận thức được lỗi lầm của mình để sửa đổi hay không. Kỷ luật tích cực chắc chắn sẽ làm được việc này.
Từ những tình huống thực tế và kinh nghiệm giải quyết, cô Thanh Hồng - giáo viên Trường THCS chuyên Phù Cừ - Hưng Yên chia sẻ: Trách phạt học trò không mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí có thể phản tác dụng nếu giáo viên cứng nhắc. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải biết chuyển hóa cảm xúc, xử lý tình huống để tránh không làm học sinh bị tổn thương, nhất là khi học trò ở tuổi “ẩm ương” và giúp các em nhận ra những khuyết điểm của mình”.
Giáo viên phải thay đổi
Chương trình “Thày cô chúng ta đã thay đổi” - phát sóng trên VTV thời gian qua đã giúp các phụ huynh nhận thấy sự thay đổi, bắt đầu từ giáo viên. Trong đó có thay đổi cách nhìn nhận về hình thức kỷ luật học sinh. Điều đó đã góp phần xây dựng nên trường học hạnh phúc theo đúng nghĩa.
Cô Lê Thị Nếp - giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình) đã chia sẻ những tình huống sư phạm gặp phải. Dưới áp lực của kiến thức, chương trình, phụ huynh học sinh và của chính bản thân, cô Nếp luôn muốn lớp mình phụ trách phải hoàn hảo, học sinh chăm ngoan và vâng lời. Cô đã đi theo lối mòn truyền thống: Muốn học sinh nền nếp phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Muốn học sinh học bài và làm bài chăm chỉ phải kỷ luật những học sinh lười biếng. Muốn học sinh ngoan, đoàn kết, yêu thương thì kỷ luật những em hay gây gổ trong lớp và đặc biệt học sinh có thái độ “lồi lõm”.
Cô Nếp kể: Tôi còn nhớ mãi trong một tiết dạy Toán, khi tôi đang say sưa giảng bài, học trò vẫn say sưa nói chuyện. Không kiềm chế được mình, tôi đã cầm thước đập thật mạnh xuống bàn. Một em học sinh ngồi dưới đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Con điên”. Tôi bực lắm nhưng vẫn cố lờ đi. Cậu học trò ngồi kế bên đã đứng lên thưa rằng: “Bạn này nói cô là con điên ạ!”. Tôi bắt cô bé kia phải đứng lên giải thích. Tôi nhớ nét mặt sợ sệt của em. Em giải thích rằng: “Môi cô ở bên trong còn răng cô ở bên ngoài trông như con điên ạ!”. Nghe học trò giải thích tôi không thể nói thêm được câu nào nữa. Tôi ra ngoài hành lang đứng và trong lòng trỗi dậy một sự xót xa. Chẳng lẽ mình lại kinh khủng đến thế?
Cô Nếp cho biết, khi tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô thực sự thay đổi suy nghĩ. Cô nhận ra rằng ngôi trường đáng lẽ phải là nơi khiến học trò vui nhưng chính cô đang làm học trò cảm thấy sợ hãi. Điều quan trọng, theo cô Nếp là bạo hành sẽ sinh ra bạo hành. Khi cô thay những lời lẽ chỉ trích, phê phán học sinh bằng những lời động viên khen ngợi, các em trao niềm tin nhiều hơn, xóa đi khoảng cách cô - trò. Vậy kỷ luật tích cực tại sao không áp dụng? Thay đổi để được hạnh phúc, tại sao không làm.
Kỷ luật đâu phải “sát phạt”
Trước đó, vào đầu năm học mới 2020- 2021, Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, được Bộ GDĐT ban hành từ năm 1988. Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên- Bộ GDĐT cho hay: Thông tư sẽ khuyến khích các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh mắc khuyết điểm. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các hình thức kỷ luật khác như khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.