Cảnh giác… giả danh
Các đối tượng mạo danh là công an hay viện kiểm sát điều tra để hù dọa nạn nhân, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để điều tra, hay bảo vệ nguồn tiền… và cuối cùng thì ẵm tiền.
Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa khởi tố 5 bị can trong đường dây sử dụng công nghệ cao, giả danh công an, Viện kiểm sát gọi điện đe dọa, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Số tiền đường dây này chiếm đoạt của các nạn nhân lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Thủ đoạn của bọn tội phạm vẫn từ tìm hiểu những người có tiền, có điểm yếu, hạn chế nào đó xung quanh nguồn tiền, việc kiếm tiền, rồi mạo danh là công an hay viện kiểm sát điều tra để hù dọa nạn nhân, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để điều tra, hay bảo vệ nguồn tiền… và cuối cùng thì ẵm tiền.
Một phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), tháng 9 vừa qua nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là người của cơ quan tư pháp đang điều tra một vụ án lớn có liên quan. Kẻ mạo danh yêu cầu nạn nhân phải lập tài khoản ngân hàng mới, để cơ quan điều tra bảo vệ. Khi nạn nhân ra ngân hàng lập 2 tài khoản mới, chuyển hết 13 tỷ đồng vào, thì ngay sau đó tiền đã không cánh mà bay.
Thật lạ là rất nhiều người khi nghe điện thoại, khi bị hù dọa đã vội vã làm theo kẻ lừa đảo. Nhiều người có tiền, từng thường xuyên giao dịch ngân hàng mà lại dễ dàng tin vào lời của những kẻ mạo danh. Như người phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm đã tin và cung cấp cả mã OTP.
Liên tục đó đây, xảy ra các vụ mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát... Bộ Công an từng phải có thông báo về vấn đề giả danh công an, hướng dẫn người dân cách nhận biết, xử lý… TAND TP Hồ Chí Minh gần đây cũng đã đưa ra xét xử nhóm 10 bị cáo trong đường dây chuyên giả danh cơ quan tố tụng để chiếm đoạt tài sản của người dân do người nước ngoài cầm đầu, vẫn với các hành vi, thủ đoạn như trên.
Sự việc đã diễn ra nhiều, dư luận, công luận đã nêu, đã cảnh báo, kể cả cơ quan công an cũng cảnh báo, nhưng tại sao vẫn có nhiều người bị sập bẫy, bị mắc lừa? Mỗi trường hợp một kiểu, nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết.
Chuyện rằng, nếu như ai đó nhận được điện thoại của kẻ giả danh cơ quan pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, thì rất nên bỏ qua, hay ngay lập tức gọi điện đến cơ quan Công an hay Viện kiểm sát để trình báo, đề nghị xác minh, giúp đỡ, thì sẽ không còn cửa cho tội phạm. Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với cơ quan pháp luật để tự bảo vệ mình và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.