Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm

Đ.Nam 12/12/2020 07:27

Trong giai đoạn sắp tới công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải tiến tới thực phẩm tiêu dùng trong nước có chất lượng, an toàn như hàng xuất khẩu; truy xuất được nguồn gốc; có chỉ dẫn địa lý…

Yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao.

Tại cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm chiều 11/12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã thảo luận, thống nhất: Trong giai đoạn sắp tới công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải tiến tới thực phẩm tiêu dùng trong nước có chất lượng, an toàn như hàng xuất khẩu; truy xuất được nguồn gốc; có chỉ dẫn địa lý…

Từng bước áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

Tính đến tháng 11/2020, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành 55 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng, chuyển Bộ KH&CN công bố được 51 TCVN, với quan điểm chuyển dịch toàn bộ mức giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm của quốc tế áp dụng ở Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai nội dung đề án chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Đến nay, cả nước đã có 430.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 11 lần so với năm 2019) với 6.045 doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 3,1 lần), 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích với diện tích nuôi trồng 15.833 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 3 lần).

Hội nông dân xây dựng được 4.070 mô hình bảo đảm ATTP tại các địa phương, nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình theo chuỗi giá trị bảo đảm về chất lượng ATTP được người tiêu dùng đánh giá cao.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần tập trung làm rõ nguyên nhân và có giải pháp trước việc gia tăng mạnh các vụ độc thực phẩm, số người tử vong, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đặc biệt ở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học. Việc kinh doanh trực tuyến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội…

Qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng công tác bảo đảm ATTP đã bước sang giai đoạn mới khi những năm vừa qua chúng ta đã phát triển mạnh mẽ các mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch theo VietGAP, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi,… Các DN đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, sản xuất nông sản, thực phẩm ở quy mô công nghiệp theo các quy trình được quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn hóa. Nhiều loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng, độ an toàn như hàng xuất khẩu.

Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo, cơ chế chính sách nhằm hướng tới mục tiêu từ năm 2021, tất các loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước đạt tiêu chuẩn ngang với thực phẩm xuất khẩu, không có sự phân biệt.

Trong 5 năm tới, về cơ bản các loại nông sản, thực phẩm lưu hành trên thị trường, tiêu thụ qua các kênh phân phối chính thức phải truy xuất được nguồn gốc.

Đề ra mục tiêu mới về an toàn thực phẩm

Trong năm 2020 toàn ngành y tế để kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông lâm thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hoá trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ/8.548 đối tượng vi phạm về pháp luật ATTP, xử lý hành chính 7.659 vụ/7.189 cá nhân, tổ chức với số tiền xử phạt là 52,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ/8 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP.

Các đoàn liên ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm nghiệm 9.856 mẫu thực phẩm, số mẫu không đạt là 1.184 mẫu chiếm 12%; xét nghiệm nhanh 267.991 mẫu thực phẩm có 16.012 mẫu không đạt chiếm tỷ lệ 6%. Tỷ lệ phần trăm mẫu không đạt trên tổng số một kiểm nghiệm đã giảm so với năm 2019.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân vào dịp lễ tết cuối năm có những thay đổi nên các bộ ngành thành viên Ban Chỉ đạo cần sớm vào cuộc, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chất lượng, an toàn các mặt hàng thực phẩm, đồ uống…

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo về ATTP, đối với 6 nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đưa vào vận hành toàn bộ hệ thống sớm nhất có thể.

Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý ATTP, đánh giá, tổng kết, nhất là mô hình ban quản lý ATTP. Nghiên cứu đề xuất xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP thống nhất, tinh gọn, hiệu quả để đáp ứng cơ chế quản lý tăng cường hậu kiểm.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn tập trung vào các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuối giá trị gắn với công nghệ cao ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh hưởng tới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với người tiêu dùng trong nước, trước hết là tại các đô thị lớn…

Ngộ độc thực phẩm tăng mạnh

Tính đến hết tháng 11/2020, toàn quốc ghi nhận 121 vụ ngộ độc thực phẩm/2.616 người mắc, 30 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 39 vụ, 566 người mắc và tăng 21 người tử vong. Đặc biệt số vụ ngộ độc thực phẩm độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ vào và tại gia đình tăng. Số tử vong do ngộ độc rượu có Metanol cũng tăng.

Đ.Nam