Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã thời 4.0
Ngày 11/12, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển-xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Làm gì để thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển cho hợp tác xã trong thời đại 4.0 đã được nhiều đại biểu đặt ra.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Tính đến nay thế giới có khoảng 3 triệu hợp tác xã (HTX) và các tổ chức tương hỗ, thu hút khoảng 1,2 tỷ thành viên, tạo 250 triệu việc làm và có doanh thu 2,2 nghìn tỷ USD. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước ngày càng phát triển thì khu vực HTX cũng càng phát triển.
Còn tại Việt Nam, tính đến tháng 12/2020 toàn quốc có 26.112 HTX, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia, số lao động làm việc trong HTX khoảng 1,13 triệu người. Trong thời gian qua đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.
Từ dẫn chứng trên, ông Phương cho rằng: “Hiện chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội cũng rất nhiều, nhưng cơ hội chỉ đến khi các thành phần kinh tế năng động, biết chớp thời cơ hành động. Để thách thức trở thành cơ hội thì cần phải có sự liên kết, hợp tác, cùng nhau phát triển”.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, Nhà nước cần có cơ chế quản lý rõ ràng đối với HTX và doanh nghiệp khi tham gia liên kết để từ đó tạo ra môi trường hoạt động lành mạnh, bền vững và cân bằng cho các bên tham gia. Đồng thời cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với HTX để tổ chức vùng nguyên liệu cho các HTX với các quy trình tiêu chuẩn.
“Nếu không được tổ chức sản xuất theo kế hoạch gắn với thị trường, nông dân và các HTX vẫn tiếp tục gặp cảnh được mùa rớt giá, được giá mất mùa, tiếp tục khó khăn trong việc bao tiêu nông sản cho nông dân, cũng như khó trong tiếp cận được các quy trình sản xuất tiên tiến như Vietgarp, Globalgap”-ông Thòn nói.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: HTX là bộ phận không thể thiếu, góp phần vào sự phát triển hài hòa về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi các tập đoàn, công ty lớn không muốn đầu tư, phát triển. Tại Việt Nam, phát triển kinh tế tập thể luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, trên thực tế kinh tế hợp tác phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. So với các thành phần kinh tế khác, tổ chức kinh tế tập thể phát triển vẫn hết sức khó khăn, chưa tương xứng. Do đó tỷ trọng của khu vực kinh tế này đóng góp vào GDP cả nước không cao, chỉ 4% GDP.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Thủ tướng là do thể chế, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Việc tiếp cận chính sách về thuế, đất đai, tín dụng còn khó khăn. Quản lý Nhà nước có nơi can thiệp quá sâu, còn có nơi lại buông lỏng. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, cần nêu cao trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền các cấp, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế.
Trong số hơn 26 nghìn HTX, gần 130 nghìn tổ hợp tác trên cả nước, chiếm tới 64% (tương đương với hơn 16.200 HTX) là HTX nông nghiệp. Con số này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn khá bấp bênh, sức tiêu thụ còn hạn chế, sức cạnh tranh kém, dẫn đến nông sản thường bị lép vế ngay trên sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu.