Nhà ở thu nhập thấp: Vì sao nhà đầu tư không mặn mà?
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiếp tục ghi nhận sự gia tăng nguồn cung nhà ở thuộc phân khúc cao cấp.
Trong khi nhu cầu thực của người dân chủ yếu vẫn là nhà ở giá rẻ. Đây là nghịch lý tồn tại lâu nay của thị trường bất động sản, song vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng nguồn cung mới sản phẩm căn hộ cao cấp tại thị trường Hà Nội vẫn tiếp tục tăng, và có xu hướng áp đảo với tỷ lệ cao so với phân khúc nhà ở giá thấp.
Mổ xẻ nguyên nhân của thực trạng này, giới chuyên gia trong ngành nhận định, do quỹ đất hẹp nhưng dân số ngày một gia tăng nên các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là những điểm nóng về giá nhà. Trong khi đó, quá trình xây dựng mất nhiều chi phí nên các nhà đầu tư phải đưa vào giá thành sản phẩm, từ đó dẫn đến nhà đầu tư không mặn mà với các dự án nhà ở giá thấp, vì khó thu hồi được vốn, lợi nhuận lại không cao...
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), trong 9 tháng từ đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã xác nhận 20 dự án, tổng số 6.722 căn nhà đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai (giảm 12 dự án, tương đương mức giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, trong số này chỉ có 163 căn là nhà ở phân khúc bình dân (chiếm tỷ lệ chỉ 2,5%). Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống và nhà ở xã hội ngày càng trở nên khan hiếm, hầu như vắng bóng trên thị trường TP.Hồ Chí Minh trong hai năm qua.
Trong cơ cấu giá bán nhà, HoREA cho biết, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đều phải tính đến đủ các loại chi phí, và như vậy, cuối cùng các chi phí bị đội lên sẽ tính vào giá thành sản phẩm và người mua phải gánh chịu. Đây là lý do khiến cho giá nhà ở khó có thể giảm tại TP. Hồ Chí Minh, và Hà Nội cũng tương tự.
Theo HoREA, môi trường kinh doanh lĩnh vực bất động sản chưa minh bạch, bình đẳng, lành mạnh nên rất khó giảm chi phí này. Nguyên nhân do có nhiều quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, vẫn còn tồn tại cơ chế “xin-cho”…
Lãnh đạo Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng thừa nhận thực tế, thời gian qua, nhiều dự án dừng, hoãn là do những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục. Thực tế này đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội trong khi nhu cầu vẫn cao. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng cường vai trò định hướng, quản lý, điều tiết thị trường bất động sản của Nhà nước, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển, song để thị trường ổn định, rất cần có sự cải thiện về chính sách, tạo “đường thông hè thoáng” để giải quyết nhanh chóng các dự án, khi đó, DN mới cảm thấy không e ngại khi muốn tham gia vào các dự án nhà ở giá thấp.