Bờ Hồ là trái tim hồng
Không biết có phải xuất phát từ bài hát “Hà Nội trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn không, mà có người dân làng nghề đem tới giữa Bờ Hồ một “trái tim… lông lá” để tham gia Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại năm 2020.
Không ai ngờ nhà văn Nguyễn Quang Thiều lại sớm có “phát ngôn” nổi danh sau khi đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bằng một status (trạng thái) trên mạng FB. Đó là status kèm hình ảnh một trái tim làm bằng mây tre đan lông lá tua tủa đặt giữa Bờ Hồ, có hình chụp lồng phía trong là Tháp Rùa: “Tôi mang cảm giác bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người quy hoạch thủ đô thời đổi mới. Vì thế, thi thoảng họ lại cho hiện ra giữa thủ đô một hình thù quái dị”.
Từ hình ảnh chụp “trái tim lông lá” trên, dân mạng chia sẻ đến chóng mặt kèm theo vô vàn lời luận phản đối. Tất nhiên, rất nhanh chóng ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội lên tiếng phủ nhận: “Trái tim này là của người dân làng nghề mang tới, đang thi công để tối 11/12 bắt đầu trưng bày Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại năm 2020. Nhưng mô hình này không được duyệt nên từ tối 10/12, người dân đã mang đi”.
Trái tim lông lá này có lẽ sẽ đẹp nếu được đặt trong một khung cảnh phù hợp như nơi du lịch, giải trí, nơi núi đồi hoang sơ. Thế nhưng, sẽ rất phản cảm nếu đặt ở nơi đế đô ngàn năm văn vật.
Hồ Hoàn Kiếm tuy nhỏ nhưng là chốn địa linh của cả nước. Những tư duy kệch cỡm kiểu như cách đây 3 năm từng xảy ra khi có người đề xuất xây dựng phối cảnh 3D bộ phim “Kong: Skull Island” và khỉ King Kong tại Hồ Gươm sau thành công của bộ phim này cần phải được loại bỏ.
Khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn từ lâu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt thì không thể tùy tiện để người dân muốn tạo cảnh quan gì thì làm. Ngành văn hóa cần có giám sát và quản lý chặt chẽ khu vực linh thiêng này.