Nhắm mắt, đứng một chân liệu có phát hiện được đột quỵ?

PV (tổng hợp) 12/12/2020 17:33

Sau sự ra đi đột ngột của danh hài Chí Tài vào chiều 9/12 do đột quỵ, hàng loạt các trang mạng xã hội chia sẻ thử thách nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ, vậy thực hư hiệu quả của thử thách này ra sao?

Thử thách "One Leg Challenge - Đứng một chân" đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Thử thách "One Leg Challenge - Đứng một chân"

Sau thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vào ngày 9/12 vì đột quỵ, thử thách "One Leg Challenge - Đứng một chân" đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Những người tham gia phải đứng bằng một chân trong vòng 60 giây, ghi hình đăng lên mạng xã hội và thách thức 3 người khác làm việc này trong vòng 24 giờ.

Thử thách này có thể bắt nguồn từ một nghiên cứu tại Nhật trước đó. Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke vào năm 2014, có sự tham gia của 841 phụ nữ và 546 nam giới, độ tuổi trung bình là 67. Để đo thời gian đứng bằng một chân, những người tham gia đứng mở mắt và nâng một chân lên.

Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, 1.387 người (trung bình 67 tuổi) được yêu cầu đứng một chân, chân còn lại co lên, vuông góc với chân trụ, nhắm mắt, không dựa tường, không dùng tay giữ chân. Những người không duy trì được tư thế này quá 20 giây được chụp cộng hưởng từ não bộ để đánh giá tình trạng các mạch máu não.

Kết quả, 50,5% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não) và 45,3% có 1-2 điểm vi xuất huyết (chảy máu rất ít trong não).

Tuy nhiên, dù khá nổi tiếng nhưng trên thực tế, thử thách này chưa được tổ chức đột quỵ nào trên thế giới công nhận hay được đánh giá ngang hàng.

Chuyên gia nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cho biết trong bài nghiên cứu của Nhật Bản, các nhà khoa học chỉ ra rằng việc không thể duy trì thăng bằng với tư thế đứng bằng một chân dưới 20 giây có liên quan quá trình suy giảm chức năng và các tổn thương não không triệu chứng.

"Các biểu hiện này không nên được hiểu là đột quỵ thật sự. Những người bình thường, sau 60 tuổi, đặc biệt trên nền bệnh tăng huyết áp, khi chụp MRI, sẽ được phát hiện tỷ lệ rất cao bị tổn thương mạch máu nhỏ, không gây triệu chứng. Nghiên cứu của Nhật Bản không có ý nghĩa rằng chúng ta có thể kiểm tra nhanh nguy cơ đột quỵ chỉ đơn giản bằng cách đứng một chân", PGS Thắng cho hay.

PGS Thắng phân tích việc không thể đứng lâu bằng một chân chứng tỏ một người bị suy giảm chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể. Điều này có liên quan chức năng của não bộ, hệ thống thị giác và cả hệ xương khớp.

"Ngoài ra, đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ trên dân số Nhật Bản và còn nhiều vấn đề trong phương pháp nghiên cứu. Do đó, nó không nên được xem là khuyến cáo cho người dân thực hiện mà chỉ dành cho người làm chuyên ngành tham khảo", Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho hay.

Trao đổi về vấn đề này trên Gia Đình Mới, ThS.BS Trần Quang Thắng, Phụ trách khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão Khoa Trung ương cho biết, thông tin nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ là không đúng.

Bác sĩ Thắng giải thích: “Theo Tây y, để đánh giá nguy cơ một bệnh nhân có bị đột quỵ hay không phải dựa vào các cơ sở, bằng chứng mang tính khoa học, được công bố ở trong các tài liệu cũng như được thông qua các hiệp hội liên quan đến bệnh đột quỵ như Hội đột quỵ châu Âu, Hội đột quỵ Hoa Kỳ, Hội đột quỵ Việt Nam…

Trong các văn bản, hướng dẫn của các hội đột quỵ bao giờ cũng có phần dự phòng bệnh nhân đột quỵ và trong phần dự phòng không hề có nói đến việc nhắm mắt, đứng một chân phát hiện đột quỵ.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, để nhận biết một người có nguy cơ bị đột quỵ đầu tiên phải xác định bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ hay không.

Mà các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ đó là: Các bệnh lý liên quan đến tim mạch, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý về tim bẩm sinh…

Thứ 2 là phải xem bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ thì sẽ cho phép chúng ta nghĩ nhiều đến bệnh nhân bị đột quỵ...

Ảnh minh họa.

Cách phòng chống đột quỵ

Nhận diện đột quỵ - FAST

F - Face (mặt): Nạn nhân có bị méo mặt hay miệng?

A - Arms (tay): Nạn nhân có thể nhấc 2 tay ngang vai và giữ trong 10 giây?

S - Speech (nói): Nạn nhân có khó nói chuyện, nói ú ớ, nói không thành lời?

T - Time (thời gian): Nếu có, ngay lập tức gọi 115, đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhanh nhất có thể.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Trung Thành, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, dấu hiệu cảnh báo sớm và đặc trưng nhất của bệnh lý đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua. Tình trạng này xảy ra do sự ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não trong thời gian ngắn.

Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua là một cơn đột quỵ nhẹ, xảy ra nhanh chóng, chỉ một vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân bất ngờ đau đầu, chóng mặt, tay chân tê bì, yếu nửa người, khó nói, khó đi lại, mặt rủ xuống một bên, miệng lệch...

Sau đó, cơ thể tự hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Vì sớm trở lại bình thường nên người bệnh nhầm lẫn với trúng gió hoặc hạ canxi.

Bác sĩ Thành cho biết, khoảng 7% bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 tuần và trên 14% những bệnh nhân khác bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó.

Để phòng chống đột quỵ trước hết bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ.

Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường.

Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

Tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

* Các thao tác xử lý khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ:

1. Gọi xe cấp cứu 115.

2. Nếu người ấy còn tỉnh, để ở tư thế ngồi hoặc thoải mái nhất với họ.

3. Nếu người ấy bất tỉnh, còn thở, đặt nằm nghiêng một bên.

4. Nếu người ấy bất tỉnh, không còn thở, lập tức thao tác CPR ép tim và thổi ngạt.

* Lưu ý khi cứu người đột quỵ:

1. Không được tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.

2. Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

3. Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg.

4. Không dùng thuốc aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.

PV (tổng hợp)