Giai cấp nông dân thực sự là chỗ dựa của Đảng, Nhà nước
“Giai cấp nông dân không chỉ mạnh về kinh tế mà còn mạnh về chính trị, thực sự là chỗ dựa của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị về vai trò của Hội nông dân tổ chức chiều 12/12.
Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020") và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 đã diễn ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, qua thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội nông dân phát động đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn.
Chất lượng phong trào thi đua được nâng lên với trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
Các phong trào này đã góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 (đạt 156,8% so với mục tiêu đề án).
Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm), đến năm 2020 ước còn dưới 3%.
Biểu dương những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, một bộ phận nông dân có cuộc sống khó khăn đã thay đổi được sinh kế, cải thiện cuộc sống; một số nông dân có cuộc sống khá giả. Nhiều địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần thay đổi cuộc sống người nông dân, phát triển nông thôn, vị thế của nông nghiệp Việt Nam, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Kết quả đó khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi chính sách của Chính phủ và đóng góp của Hội Nông dân Việt Nam trong công tác vận động, tuyên truyền, làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nông dân, góp phần tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị”, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định.
Phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nông dân Việt Nam có vị thế rất lớn giai đoạn trước đây và là nền tảng quan trọng trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.
Theo Thủ tướng, nước ta là nước nông nghiệp phát triển đi lên từ nông thôn. Chăm lo cho nông thôn có ý nghĩa rất lớn không chỉ mang tính nhân văn xã hội mà còn là phát triển kinh tế cũng như chống lại mặt trái của cơ chế thị trường. Vì vậy mục tiêu cuối cùng phải là nâng cao đời sống nông dân.
Điểm lại những kết quả đã đạt được 10 năm qua, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra, nhưng trong 10 năm qua đã đạt được những kết quả đáng mừng, không chỉ là việc thành lập các ban chỉ đạo, mà kết quả rõ nét nhất đó là, sự phối hợp cấp ủy chính quyền các cấp hội chặt chẽ hơn. Hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần người dân nông thôn thay đổi rõ rệt.
Việc lo đầu ra cho nông dân, tình trạng được mùa rớt giá đã giảm đáng kể. "Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng nhiều nhà máy chế biến ở vùng miền, nên dân yên tâm hơn". Việc xây dựng các trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân được chú trọng, đã có 55/63 tỉnh tạo mặt bằng có trung tâm dạy nghề. Hàng triệu nông dân được đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, tạo nghề mới cho nông dân.
“Chúng ta chuyển sang nền nông nghiệp an toàn thực phẩm, dường như không còn xảy ra tình trạng 'rau hai luống lợn hai chuồng' trước đây. Điều đáng mừng là trình độ của nông dân nâng lên rất nhiều”, Thủ tướng đánh giá.
Dù đạt được những kết quả như vậy nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt tồn tại của việc thực hiện Kết luận số 61. Đó là trong chỉ đạo còn bất cập, một số nơi chưa bổ sung quỹ hỗ trợ cho nông dân. Các cấp hội chưa thúc đẩy, đề xuất tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, cán bộ của hội đề xuất phản biện, nhân rộng mô hình còn kém.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Cần tiếp tục xây dựng lớp nông dân mới có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm và nói không với tình trạng con trâu đi trước cái cày đi sau như trước. Theo đó, "khi anh bỏ hạt giống xuống là phải lo đầu ra cho nông sản ngay".
Thủ tướng yêu cầu, giai cấp nông dân không chỉ sản xuất kinh doanh mà giai cấp nông dân tiến bộ ở nông thôn. Bởi vì trong những hoàn cảnh biến động như dịch Covid-19 vừa qua, trong khi các nước khác rất khó khăn thì Việt Nam có một chỗ dựa vững chắc về nông nghiệp. "Rõ ràng nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho xã hội trong kinh tế thị trường định hướng XHCN", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả hơn nữa Kết luận 61, rà lại những đề án để gắn việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp hội trong tình hình mới.