Những dòng sông bị rút ruột
Theo thống kê của Công an Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép, làm thất thoát tài nguyên và thất thu nguồn ngân sách nhà nước và gây bức xúc dư luận.
Không đủ năng lực chặn cát tặc
Tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra ở nhiều địa điểm. Ðiển hình là tại tuyến sông Hồng đoạn chảy qua các xã Xuân Đình, Cẩm Ðình, Phương Ðộ, Vân Nam, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, tình trạng khai thác cát trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm, dẫn tới hàng nghìn mét kè Cẩm Ðình bị sạt trượt.
Tại địa bàn xã Phú Châu, huyện Ba Vì, nhiều tàu cuốc, tàu hút khai thác cát trái phép ngang nhiên giữa ban ngày. Có lúc hàng loạt tàu cuốc, tàu hút kéo nhau về đây khai thác cát khiến cả khúc sông bị náo động mà không hề có lực lượng chức năng ngăn cản.
Ngoài ra, tình trạng này cũng diễn ra tại xã Thạch Ðà, huyện Mê Linh; tại địa bàn huyện Sóc Sơn, nhất là khu vực giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn với huyện Ðông Anh, hoặc khu vực giáp ranh các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Ông Nguyễn Xuân Tín - Chủ tịch UBND xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ thừa nhận địa bàn xã có thực trạng một số tàu cuốc khai thác vào ban đêm, có khoảng 1-2 tàu cuốc. Huyện và xã đã ra quân quyết liệt, đến nay cơ bản chấm dứt nhưng mấy đêm gần đây vẫn có 1-2 tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4-5 giờ sáng.
“Chúng khai thác 1-2 ngày lại nghỉ, và việc khai thác cát giữa dòng sông Hồng, công an huyện và xã không được trang bị lực lượng và phương tiện chuyên dụng để có thể ngăn chặn triệt để” - ông Tín cho hay.
Nói những cái khó trong xử lý nạn cát tặc, ông Doãn Trung Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, Phúc Thọ giáp ranh với Vĩnh Phúc, hiện địa giới hành chính trên sông chưa được xác định, nên vẫn có tình trạng tàu thuyền ban ngày đỗ ở bên Vĩnh Phúc, ban đêm sang Phúc Thọ để hút cát sỏi.
Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết: Từ năm 2018 đến nay lực lượng chức năng đã bắt giữ 42 đối tượng vi phạm, tịch thu hàng tỷ đồng, trong đó khởi tố 2 đối tượng; riêng năm nay đã xử lý 7 vụ với 7 đối tượng, xử phạt gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên trong thời gian Covid-19, nhiều đối tượng lợi dụng khai thác cát trái phép.
Vị này cho rằng, đến nay, chế tài xử lý các đối tượng này rất khó, vì phải chứng minh được việc thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng mới khởi tố được, nên còn ít tính răn đe. Cùng đó, hiện nay phương tiện, lực lượng trang bị cho đơn vị chức năng để thực hiện việc xử lý các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép này còn chưa đảm bảo.
Cát tặc lộng hành, đê Hà Nội kêu cứu
Hậu quả của vấn nạn cắt bị rút ruột ở các dòng sông là những con đê của Hà Nội đang sụt lún nghiêm trọng. Theo đó, suốt từ đầu năm 2020 đến nay liên tục xuất hiện những văn bản ban bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở ở hầu hết các con sông trên địa bàn. Cụ thể, đầu tháng 11 UBND Hà Nội ban hành quyết định về việc công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Đà trên địa bàn xã Thái Hòa (Ba Vì).
Theo đó, khu vực sạt lở từ trạm bơm Đồng Cống đến hết khu vực dân cư thôn Phú Nhiêu ngoài bãi sông tiếp giáp với cầu Trung Hà xảy ra tình trạng sụt bờ sông, có cung sạt lở sát đường giao thông, gây hiện tượng hở hàm ếch. Thực trạng sạt lở có nguy cơ sập tuyến đường giao thông liên thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định, an toàn của nhân dân sinh sống ở bờ sông.
Trước đó, hồi giữa năm, một vị Phó chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở tại bờ sông Đáy, sông Bùi (huyện Chương Mỹ và Quốc Oai), sông Đà (huyện Ba Vì), sông Cà Lồ (huyện Đông Anh).
Tại huyện Chương Mỹ sạt lở bờ sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn các xã Hòa Chính làm nhiều bụi tre, cây cối, đồ vật, kiến trúc của 18 hộ dân bị sạt trượt xuống sông, làm nứt và đổ nghiêng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá. Sạt lở bờ sông Đáy trên địa bàn xã Văn Võ ảnh hưởng 66 hộ dân, nhiều nhà dân bị sụt lún công trình phụ.
Tại huyện Ba Vì sạt lở bờ sông Đà qua địa bàn xã Thái Hòa dài khoảng 655m có nguy cơ ảnh hưởng đến 15 hộ dân sinh sống, các vị trí sạt lở đang có xu hướng mở rộng và cách nhà dân 3-5m gây nguy hiểm cho các hộ dân. Sạt lở nếu không được xử lý sẽ uy hiếp đến an toàn tuyến đê hữu Đáy.
Vẫn là những sự cố sụt lún đê, đầu tháng 8/2020 trên bờ hữu sông Hồng, đoạn xã Chu Minh (huyện Ba Vì) cũng xảy ra 2 vị trí sạt lở với tổng chiều dài khoảng 550m. Các cung sạt tạo thành vách đứng, gây nứt, lún sụt tường và công trình phụ, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của 10 hộ dân ở thôn Chu Quyến, xã Chu Minh.
Đáng lo ngại, sự cố sạt lở này có xu hướng phát triển, uy hiếp đến ổn định bờ sông cũng như an toàn của tuyến kè Chu Minh, đe dọa cuộc sống của người dân trong khu vực... Tương tự, trên bờ hữu sông Đà, đoạn qua xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) xảy ra sự cố sạt lở tuyến kè Khê Thượng uy hiếp trực tiếp đến an toàn của tuyến đê hữu Đà. Cũng trên bờ hữu này, đoạn xã Minh Quang xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, uy hiếp an toàn tuyến kè Minh Quang, đê Khánh Minh.
Cuối tháng 9, UBND thành phố Hà Nội cũng đã công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sụt, sập cống xả Trạm bơm tiêu Tảo Khê qua đê hữu Đáy, thuộc địa bàn xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức). Sự cố sụt lún cũng gây ra không ít phiền toái cho cuộc sống người dân nơi đây.
Thời sự nhất là đầu tháng 12, các bờ sông Đáy, sông Bùi liên tiếp xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân ở các xã: Quảng Bị, Hòa Chính, Phú Nam An (huyện Chương Mỹ), Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức), Viên An (huyện Ứng Hòa)... Các vị trí sạt lở bờ sông Đáy, sông Bùi đã gây hư hỏng công trình, làm mất đất ở và sản xuất của hàng trăm hộ dân trên địa các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa.
Một dòng sông - hai chính sách, sao chặn được cát tặc?
Theo nhiều chuyên gia một trong những vướng mắc khiến cuộc chiến chống nạn cát tặc tại nhiều địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn chính là sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh, TP nằm ở hai bên bờ sông, đó là vấn đề “một dòng sông - hai chính sách”. “Ví dụ như Hà Nội không cho khai thác cát ngầm nhưng bên Vĩnh Phúc lại cho khai thác. Thế nên khi bên Hà Nội đuổi thì cát tặc lại chạy sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc”.
Theo đó, xử lý cát tặc cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng cấp cao mà cụ thể là Bộ Công an, bởi đây mới là đơn vị có đủ phương tiện tàu thuyền hiện đại, đủ sức trấn áp những đối tượng khai thác cát trái phép.
Để giải quyết nạn cát tặc, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội giữa tuần trước, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP cần rà soát ngay việc thực hiện các quyết định phân công phân nhiệm đến đâu, có chế tài xem xét trách nhiệm người đứng đầu những nơi để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Đồng thời, cần sớm phê duyệt quy hoạch các bến thủy nội địa, trạm trung chuyển vật liệu xây dựng; rà soát việc thực hiện quy chế phối hợp với 8 tỉnh, xem trách nhiệm của các bên, để phối hợp chặt chẽ hơn.
Mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề xuất, cần đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khai thác thực tế; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường. Cần tiếp tục hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.