Covid-19, vaccine và khoảng lặng từ phong trào chống vaccine
Các loại vaccine rất an toàn. Phần lớn các phản ứng do sử dụng vaccine thường là nhẹ và tạm thời, chẳng hạn như đau cánh tay hay sốt nhẹ. Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng tới sức khoẻ, nếu có, đều sẽ được giám sát và điều tra kỹ lưỡng. Chúng ta dễ bị một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine gây tổn thương nghiêm trọng nhiều hơn là chính loại vaccine đó.
Đây là những khuyến cáo được lấy từ trang web của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và có thể tìm thấy rất nhiều thông tin tương tự khác từ các trang thông tin chính thức của ngành y tế cũng như từ các bác sĩ. Nhưng phong trào chống vaccine chưa bao giờ chấm dứt và ngày càng có nhiều tác động xấu đến sức khỏe của cộng đồng. Thậm chí ngay cả khi thế giới đang trải qua dịch Covid-19 với những hậu quả khủng khiếp được ghi nhận mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của King's College London (KCL) và Ipsos Mori mới công bố gần đây, chỉ khoảng 53% trong tổng số 90 nghìn người được điều tra sẽ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, trong khi đó, có đến 16% số người được hỏi sẽ không tiêm vaccine. Đây là một kết quả rất đáng báo động bất chấp việc đã có gần 1,6 triệu người trên toàn thế giới qua đời vì virus SARS-CoV-2. Vậy tại sao càng ngày càng có nhiều người tin rằng việc không tiêm vaccine sẽ tốt hơn cho họ và gia đình họ so với việc được bảo vệ từ vaccine?.
Điểm khởi đầu có lẽ xuất phát từ một nghiên cứu của vị bác sĩ người Anh và các cộng sự vào năm 1998 về mối liên hệ giữa vaccine Sởi, Quai bị, Rubella (MMR) và chứng bệnh tự kỉ. Mặc dù những công bố này đã bị giới khoa học phản đối quyết liệt do những kết luận vội vàng, thiếu cơ sở khoa học cũng như sau đó tác giả đã bị điều tra về động cơ đằng sau nghiên cứu, nhưng nó đã khởi đầu cho một trong những phong trào nguy hiểm nhất đối với y tế cộng đồng - phong trào chống vaccine.
Nhưng tại sao chỉ một vài nghiên cứu và nỗ lực của số ít người lại có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng như vậy? Câu trả lời có lẽ đến từ mạng xã hội. Nạn tin giả (cố tình với mục đích gây hại cho cộng đồng hoặc đơn giản chỉ là câu view) đã khiến những suy luận thiếu tính khoa học đã lan tràn trên mạng xã hội và khiến rất nhiều người do dự và lo sợ khi tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến mâu thuẫn cố hữu giữa người tiêu dùng và các hãng dược phẩm lớn ở các nước trên thế giới. Nhiều người tin rằng, các hãng dược phẩm lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà coi nhẹ sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình và thấp. Trong kết quả cuộc điều tra nêu trên cho biết, rất nhiều trong số những người từ chối tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã tìm kiếm tin tức từ mạng xã hội hơn là từ các nguồn tin chính thống.
Tiến sĩ Ellie Cannon, bác sĩ đa khoa có nhiều năm kinh nghiệm về sức khỏe cộng đồng tại Anh cho biết: “Tiêm vaccine bảo vệ con cái chúng ta khỏi những căn bệnh nguy hiểm như bệnh bạch hầu và ho gà và nhiều bệnh khác. Nhờ có vaccine, chúng ta không phải lo lắng về những căn bệnh đó nữa.
"Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng về một thế giới không tiêm chủng: tại sao mọi người lại chọn cuộc sống đó? - nơi rửa tay và cách ly là cách bảo vệ duy nhất của chúng ta", Tiến sĩ Ellie Cannon nói.
Những luật sư ở Mỹ đang nghiên cứu tư vấn cho khách hàng của mình những hành động nhằm đối phó với nạn anti-virus ở quốc gia này. Họ cho rằng chủ sử dụng lao động có thể tận dụng việc tiêm vaccine như một hình thức quảng cáo.
“100% nhân viên của chúng tôi đã tiêm vaccine” là một câu quảng cáo không thể tốt hơn trong hoàn cảnh hiện nay. Và theo luật ở Mỹ, chủ sử dụng lao động có quyền yêu cầu nhân viên của mình hoặc là tiêm vaccine, hoặc phải nghỉ việc như một điều khoản bổ sung về an toàn lao động. Hoặc việc tiêm vaccine sẽ là điều kiện tuyển dụng đối với một số ngành nghề dịch vụ cần phải tiếp xúc với nhiều người.
Tuy nhiên, bên cạnh những cách thức như vậy, các chuyên gia cũng cho rằng để giúp giảm thiểu những lo ngại của mọi người về việc tiêm chủng, điều quan trọng là công chúng phải dễ dàng tiếp cận được những thông tin đáng tin cậy, dựa trên bằng chứng về cách hoạt động của vaccine và tại sao chúng lại quan trọng, bằng những từ ngữ dễ hiểu hơn.
Để xây dựng lòng tin và cải thiện niềm tin vào bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai, các chính phủ và cộng đồng khoa học cần tiếp tục cởi mở và trung thực với mọi người để giải thích về quá trình phát triển vaccine, những rủi ro tiềm ẩn của nó và cần tích cực tham gia các diễn đàn, mạng xã hội hơn nữa để trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà công chúng đặt ra.
Cuối cùng, tiêm vaccine là một cách đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất mà con người đã từng phát minh ra để chống lại bệnh tật. Việc nghe theo những khuyến cáo chính thức từ các bác sĩ cũng như cơ quan y tế sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi chúng ta, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.