Lễ hội dân gian trong đời sống đương đại
Tối 11/12, bên hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại do thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra trong không gian nhiều sắc màu văn hóa truyền thống. Đây là một hoạt động cộng đồng được chờ đón khi mà dịch Covid-19 đã được ngăn chặn, kiểm soát.
1. Đầu năm 2020, Hà Nội dự kiến tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, vừa mang tính giao lưu với thế giới, vừa để bảo tồn phát huy giá trị di sản như Lễ hội ẩm thực Hà Nội, Lễ hội hoa Anh đào, hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert bên Hồ Gươm… Nhưng rồi, đại dịch Covid-19 ập đến, tất cả các sự kiện ấy đều lỡ hẹn với công chúng.
Thì nay, cho dù Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại 2020 dù đã giảm quy mô, nhưng đã được đông đảo người dân hưởng ứng, và tất nhiên là vẫn luôn cảnh giác với Covid-19 theo đúng quy định của ngành y tế, của thành phố. Lễ hội sẽ kéo dài tới 21 giờ tối ngày 13/12.
Hoạt động này trên thực tế đã là một sự kiện, được cho là hội tụ nhiều loại hình di sản độc đáo của Hà Nội; như một nỗ lực nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân gian truyền thống trong xã hội đương đại.
Là nơi hội tụ những tinh hoa di sản văn hóa của Hà Nội, khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, bố trí tại khuôn viên nhà Bát Giác, được sắp đặt với các gian hàng thiết kế hài hòa.
Với nhiều sự chuẩn bị, khu vực trưng bày khá nổi với sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống với sự tham gia của các nghệ nhân trình diễn quy trình thực hành. Nhiều sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại như nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, mây tre giang đan, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất); áo dài Trạch Xá; nhạc cụ dân tộc (huyện Ứng Hoà)...
Tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, dọc đường Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch, người dân và du khách thích thú với không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại. Các loại hình văn hóa dân gian giàu giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được giới thiệu, như nặn tò he Xuân La hay là sản phẩm mang đậm yếu tố đương đại (dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải...).
Người ta cũng thích thú với khu vực giới thiệu hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình Làng Việt; khu vực giới thiệu không gian giao lưu, trải nghiệm văn hóa làng...
Trên thực tế, từ khi Hà Nội mở rộng (bao gồm cả tỉnh Hà Tây), thì Thủ đô đã thực sự là một vùng văn hóa rộng lớn, văn hóa kinh kỳ và văn hóa xứ đoài. Những giá trị văn hóa phi vật thể được cho là “đầy ắp”. Tuy nhiên, trước những cơn sóng ào ạt của hiện đại, sự giao thoa văn hóa vô cùng mạnh mẽ thì những giá trị truyền thống bị thử thách, trong đó có những giá trị văn hóa.
Vì thế, việc Hà Nội tổ chức Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại 2020 được đánh giá cao, cho dù nó vẫn còn “sạn”, đã lập tức nhận được góp ý của công chúng và Ban tổ chức cũng đã sớm khắc phục.
2. Một trong những điểm mà giới nghiên cứu văn hóa e ngại trong nhiều năm qua là sự “sân khấu hóa” các lễ hội truyền thống. Do sự thiếu hiểu biết mang tính căn cốt văn hóa cội nguồn, cũng như bị cuốn vào sóng gió thương mại hóa nên nhiều lễ hội dân gian xa rời bản chất của nó. Cả phần lễ lẫn phần hội cũng đều “mới hóa”, “trẻ hóa”, nhân danh cách tân cho phù hợp với đương đại người ta đã làm hỏng không ít lễ hội.
Cần phải hiểu rằng, mỗi lễ hội, nghi lễ đều mang giá trị tâm linh, vì thế việc hiểu đúng và giữ chuẩn mực khi sân khấu hóa là điều bắt buộc, để không làm sai lạc, tệ hơn là làm mất đi bản chất của lễ hội truyền thống.
Tại một hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời hiện đại, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã từng chia sẻ về việc cồng chiêng đang bị sân khấu hóa, khi ở Hòa Bình, người ta tổ chức đánh cùng một lúc 200 cái cồng chiêng.
Ông Loan cho rằng, mỗi chiếc cồng chiêng đánh ra một âm sắc, mỗi người đánh lại mang một nét cá tính riêng, nên việc đem cả mấy trăm chiếc cồng chiêng đánh một lúc gây ảnh hưởng không tốt đến nghệ thuật cồng chiêng. Việc này cũng tương tự như việc tổ chức hát quan họ tập thể để lập kỷ lục. Tất cả những việc làm này đều đi ngược lại tinh thần của những di sản.
Như vậy, cái khó chính là ở chỗ phục dựng thế nào để người đương đại tiếp thu được nhưng lại không được xa với bản chất của từng lễ hội. Vì đó chính là văn hóa. Bản chất của văn hóa là tiếp nối, trao truyền chứ không phải là thay cái này bằng cái khác nấp dưới tên gọi ban đầu. Nói tóm lại, văn hóa không chấp nhận việc đánh tráo khái niệm.
Những năm qua, nhiều loại hình lễ hội truyền thống được phục dựng, nhưng thật đáng tiếc trong đó cũng không ít lần người ta làm cho nó biến dạng. Nhất là khi việc “công thức hóa” đã dẫn tới “mô hình hóa” cho các lễ hội dựa trên các kịch bản na ná giống nhau. Nó không khác mấy khi so với một công thức toán học.
Từ một “mô hình”, người ta đã dễ dãi xào xáo thêm mắm dặm muối cho nhiều lễ hội khác. Một cách làm mà người dự lễ hội sẽ đoán được nội dung kịch bản ngay từ đầu. Vì thế nó trở nên tẻ nhạt, vô duyên. Mà văn hóa thì không được tẻ, buộc phải có duyên, ấy mới là văn hóa.
Lễ hội là một phạm trù của lịch sử mà lịch sử biến đổi thì lễ hội cũng biến đổi theo để thích ứng với trình độ phát triển của xã hội. Đó là điều tất nhiên nhưng xin một lần nữa được nhắc lại rằng, nếu xa rời gốc rễ ban đầu, quá chạy theo tính thương mại thì sẽ làm hỏng lễ hội, mà chỉ còn là một cuộc vui xô bồ chốc lát của đám đông.