Thi tốt nghiệp THPT 2021: Chưa thi trên máy tính
Tại Hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học do Bộ GDĐT vừa tổ chức, những đề xuất định hướng tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 đã được trao đổi. Theo đó, đại diện các trường ĐH đều bày tỏ mong muốn giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2020.
Đề nghị giữ ổn định như kỳ thi THPT 2020
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2021-2025 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung thế giới về phát triển giáo dục ĐH.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như 2020. Tiếp tục tổ chức thi THPT trên giấy, từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình GDPT 2018.Về tuyển sinh ĐH- CĐ, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhiều hình thức, nhiều nguyện vọng.
GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng có ít nhất 50% chỉ tiêu của các trường dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chứng tỏ đây vẫn là kỳ thi quan trọng với tuyển sinh của các trường, đỡ tốn kém và vất vả cho cả thí sinh và nhà trường. Vì thế ông đề nghị giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020.
Đại diện Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng, việc chuyển đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thời gian nhiều năm chứ không thể chuyển đổi ngay lập tức. Riêng với Trường ĐH Y Hà Nội, năm 2021, việc tuyển sinh cơ bản vẫn giữ như năm 2020 và chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cần sớm có trung tâm khảo thí độc lập
Tại Hội nghị, liên quan đến vấn đề tuyển sinh, đại diện ĐH Đà Nẵng đưa ra đề xuất: Bộ GDĐT nên bỏ việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm do trước đó các em đã được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên việc điều chỉnh là không cần thiết, gây kéo dài thời gian tuyển sinh. Tâm lý thí sinh không ổn định do băn khoăn chọn trường sẽ tạo nên bức tranh tuyển sinh lộn xộn trong quá trình xét tuyển.
Bà Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội ủng hộ phương án tuyển sinh 2021 là ổn định, đặc biệt sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Theo bà Thủy, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tiến tới cần có Trung tâm Khảo thí độc lập. Việc này sẽ giúp các trường xét tuyển nhiều đượt trong năm như các nước trên thế giới đã làm.
Đồng quan điểm này, đại diện một số trường ĐH cũng nêu ý kiến, để giữ tuyển sinh ĐH ổn định, thì trong thời gian này Bộ GDĐT và các trường cần tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập để trong tương lai các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm, và việc thi ĐH cho người học cũng dễ dàng hơn.
Bộ GDĐT cho biết theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025, việc tuyển sinh ĐH sẽ đi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh; Hình thành Trung tâm Khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa Thi trên máy tính.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu điều kiện thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập, chuẩn hóa về ra đề thi để các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả.
Sẽ đăng ký thi tốt nghiệp THPT trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Theo Quyết định 411 phê duyệt danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ năm học 2021 thí sinh phải đăng ký thi tốt nghiệp THPT trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo đó, Bộ GDĐT sẽ có nhiệm vụ: Đưa việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị 4 trường ĐH gồm: Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Ngoại Thương và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử, thanh toán học phí trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó nhân rộng ra toàn hệ thống.