Không thể dễ dàng thoát tội
Chỉ vì xích mích nhỏ, sai đàn em vác tuýp sắt đi đánh dằn mặt người nhà đối thủ, nhưng Phú “lê” đã dễ dàng thoát tù vì gia đình bị hại rút đơn. Vậy là chỉ cần có tiền, dàn xếp ổn thỏa với bị hại, tội phạm sẽ không bị pháp luật trừng trị?
Lẽ ra, theo thông báo của TAND huyện Đan Phượng (TP Hà Nội), ngày 15/12 tới đây sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Văn Phú (tức Phú “lê”) và hai đàn em về hành vi cố ý gây thương tích. Song, đến “phút 89”, chính cơ quan này tuyên bố đình chỉ vụ án, trả tự do cho Phú “lê”, với lý do gia đình bị hại đã rút đơn. Vậy là sau khi xộ khám, tưởng như chắc chắn sẽ phải ngồi bóc lịch dài dài, Phú “lê” vẫn dễ dàng thoát tội.
Chiếu theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, quyết định của TAND huyện Đan Phượng không sai. Song, việc thả giang hồ Phú “lê” cho thấy quy định pháp luật đang có vấn đề. Do thương tích của bị hại (mẹ và dì của Đào “chile”) chưa tới 11%, nhưng các đối tượng dùng hung khí nguy hiểm (tuýp sắt), gây thương tích cho nhiều người (2 người) nên vẫn bị khởi tố theo Khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có một số tội danh ở một số điều khoản quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (trong đó có Khoản 1, Điều 134), nếu bị hại có đơn bãi nại sẽ được đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự. Bản chất của quy định trên là thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, những người phạm tội ít nguy hiểm, được nạn nhân “xin hộ” sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, tránh cảnh tù tội.
Song, trong một số trường hợp cụ thể, thì chính sách khoan hồng này lại trở thành kẽ hở của pháp luật để các đối tượng giang hồ, dân anh chị tung tiền ra mặc cả, trao đổi điều kiện thoát tội. Đó là lý do mà rất nhiều đối tượng giang hồ cộm cán không hề biết sợ pháp luật, bởi chúng biết sau khi bị “sờ gáy” có thể dùng tiền mua chuộc nạn nhân, hoặc có thể dùng áp lực đe dọa bị hại, để đổi lấy điều kiện rút yêu cầu xử lý hình sự.
Trên thực tế có không ít kẻ “đầu gấu đầu mèo”, chuyên sai đàn em đi dằn mặt đối thủ, nhưng sau đó dễ dàng thoát tội chỉ vì những điều khoản quy định mang tính nhân đạo. Trường hợp Phú “lê” là một ví dụ điển hình. Nếu là người có ít nhiều va chạm xã hội, từng lên mạng xem youtube, lướt facebook... thì không ai là không biết đến giang hồ cộm cán Phú “lê”. Hầu hết mọi người đều tránh xa những đối tượng như vậy cho lành.
Vậy mà chỉ vì gia đình Đào “chile” rút đơn đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự, mà Phú “lê” dễ dàng thoát tội. Ai dám chắc tới đây sẽ không có các nạn nhân thứ hai, thứ ba, thứ n tiếp theo? Nhiều đối tượng đã phải ngồi tù dăm bảy năm, nhưng sau khi ra tù vẫn chứng nào tật ấy, tiếp tục tái phạm, thậm chí tái phạm nguy hiểm. Vậy thì việc phạm tội rồi vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì có gì mà phải sợ?
Sau khi phạm tội có thể lấy tiền ra để “bịt miệng” bị hại, nếu dùng tiền không được thì đe dọa tính mạng, tài sản của nạn nhân và gia đình họ, chắc là sẽ lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy có lý gì dân anh chị lại không tiếp tục sai đàn em “dạy dỗ” những kẻ “ngang bướng”, không biết nghe lời, để ngày càng tăng thêm đẳng cấp “số má”? “Số má” càng cao càng kiếm được nhiều lợi lộc, mở rộng địa bàn, thu nạp thêm nhiều đàn em, thậm chí còn khiến lực lượng thực thi pháp luật phải e dè, có lý gì lại không muốn?
Có lẽ đó cũng là một phần nguyên nhân khiến tình hình tội phạm hàng năm vẫn diễn biến phức tạp, dù lực lượng công an từ Trung ương đến địa phương đều đã rất cố gắng trấn áp, phòng ngừa. Làm sao có thể đủ mạnh để răn đe, trấn áp các loại tội phạm khi mà chế tài xử phạt của không ít tội danh còn nhẹ, cùng với đó là vô số kẽ hở pháp luật? Đó là còn chưa kể đến sự nhấm nháy, tiêu cực giữa người thực thi pháp luật với tội phạm.
Trở lại câu chuyện Phú “lê” và hai đàn em được trả tự do, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Người viết bài này, không có ý định bình luận quyết định của TAND huyện Đan Phượng và các cơ quan tố tụng khác là đúng hay sai, mọi việc phải tuân theo quy định của luật. Song, vấn đề đặt ra là không nên áp dụng máy móc quy định của pháp luật, cần xem xét cụ thể từng vụ án, từng đối tượng, tránh gây nguy hiểm cho xã hội.
Có thể một người bình thường trong lúc nóng giận mất khôn, gây thương tích cho người khác, thì quy định nhân đạo miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị hại rút đơn là hoàn toàn hợp lý, bởi người này khó có khả năng tái phạm. Song, với những đối tượng giang hồ cộm cán, chính sách khoan hồng rất có thể trở thành sự khuyến khích cho chúng tiếp tục phạm tội, nhu nhơ nhờn luật và coi thường kỷ cương phép nước.