Không chủ quan với bệnh cúm khi trời lạnh
Thời tiết chuyển lạnh khiến cơ thể con người dễ nhiễm một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có cúm. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A, cúm B và cúm C.
Số lượng trẻ em bị cúm gia tăng
Thời điểm này, tại Hà Nội, nhiều trẻ em mắc cúm, đặc biệt là cúm A. Nguyên nhân mắc bệnh là do bị lây virus cúm, một số trẻ do lây nhiễm khi đi học, một số trẻ lây nhiễm từ người lớn trong gia đình.
Chị V.P.T. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị có biểu hiện bị cúm, đi học về cơ thể sốt, đau đầu và chảy nước mũi. Bé hiện đang đi học lớp 1. Thông qua một số phụ huynh, chị nắm được tại lớp bé có 6 bạn đã lây cúm sang nhau, có biểu hiện tương tự nhau.
Chị P.T.P. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cháu chị hiện mới 4 tháng tuổi, có hiện tượng sốt cao. Gia đình chị P. cho đi khám, được chỉ định xét nghiệm cúm. Cháu bị cúm A và được yêu cầu nhập viện điều trị. Ông nội cháu bị cúm và đã lây sang cháu. Chị P. cho biết thêm, cháu sốt rất cao, cứ hết thuốc hạ sốt nhiệt độ lại tăng cao.
Chị H.X. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có con gái 7 tuổi hiện đang bị cúm A, kèm theo viêm họng. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh và cho điều trị tại nhà. Bé cảm thấy đau, mỏi người và cũng sốt rất cao.
Nguyên nhân và diễn biến của bệnh cúm
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây truyền rất cao qua đường hô hấp bởi các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc của người bệnh và tiếp xúc bề mặt chứa vi rút.
Bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Nhiều người thường nhẫm lẫn giữa bệnh cảm cúm với cảm lạnh thông thường, song các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.
Ở trẻ em hoặc người lớn tuổi, khoảng hai ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm, các triệu chứng ban đầu có thể là sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, cảm giác yếu ớt mệt, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng. Một số người còn bị đau tai hay tiêu chảy.
Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
Cách phòng tránh cúm
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi đến nơi đông người và các địa điểm công cộng để phòng nhiễm bệnh.
Hiện tại, cúm đã có vaccine phòng bệnh. Các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cúm nên tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt là trẻ em hoặc người có bệnh mãn tính. Đây là một biện pháp phòng tránh hiệu quả trước những tác động bất lợi của thời tiết và môi trường.