Di dân đang là câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL
Chiều 14/12, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020. Đây cũng là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước.
Báo cáo là công trình lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), hoàn thành sau hơn 1 năm thực hiện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thập niên qua, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng... đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.
Quan điểm khi nhìn nhận về ĐBSCL luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào… nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy không là như thế. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.
Tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP HCM và Đông Nam Bộ do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn. Đóng góp của ĐBSCL vào tổng GDP trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu như năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược (ĐBSCL bằng 2/3 TP HCM) và duy trì cho đến ngày hôm nay.
Lợi thế của các tỉnh ĐBSCL là địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa…nay đã không còn nữa do tác động từ thiên tai và con người. Những thế mạnh khác trước đây đã tạo được qua nỗ lực cải cách, cải thiện trong công tác điều hành kinh tế địa phương nay cũng đang mất dần so với các vùng kinh tế khác. Những thách thức và hạn chế trên đang đẩy vùng đồng bằng này vào tình thế hết sức nan giải.
Báo cáo cũng thể hiện, ĐBSCL hiện cũng là ‘vùng trũng’ về đô thị hóa ở Việt Nam. Tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang ngày một giãn ra.
Nếu không có các giải pháp hay động lực mới để hạn chế tình trạng xuất cư cao như hiện nay, lợi thế về nguồn cung lao động dồi dào trong vùng sẽ nhanh chóng mất đi. Báo động hơn, tỷ lệ xuất cư hiện nay thường tập trung vào lực lượng lao động dưới 35 tuổi, bao gồm cả nhóm lao động có chuyên môn, dẫn đến lực lượng lao động còn lại có xu hướng ngày càng già hóa, kỹ năng thấp, thiếu linh hoạt và sẽ là gánh nặng cho vùng ĐBSCL trong trung và dài hạn…
Báo cáo cũng nhận thấy thành tích nổi bật của ĐBSCL trong hai thập niên trở lại đây, đó là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo của ĐBSCL luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước, chứng tỏ lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi và người nghèo cũng đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.
Di dân là câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL. Tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP.HCM và miền Đông đáng báo động. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ (nhóm nghiên cứu) cho biết, so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số gần như bằng 0 trong giai đoạn 2009-2019. Số lượng di cư khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,3 triệu người, tương đương dân số bình quân một tỉnh trong vùng. “Nghĩa là 10 năm qua có 1 tỉnh ở ĐBSCL đã di cư”, ông Lam nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL trong sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH được ban hành vào năm 2017 một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của vùng ĐBSCL: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Lộc, không thể phủ nhận vai trò và đóng góp kinh tế của vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách của Chính phủ vẫn chưa theo kịp được với đòi hỏi thưc tế của sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Sự chậm trễ trong triển khai nghị quyết và thực thi chính sách đang là một trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, cộng thêm tác động lớn nhất đối với vùng là BĐKH (ĐBSCL là một trong những vùng chịu tác động lớn nhất của BĐKH trên thế giới) đã đưa vùng kinh tế ĐBSCL vào một giai đoạn khó khăn, thách thức nhất trong lịch sử tồn tại của vùng và đó cũng là một thách thức chung của quốc gia…