Nông dân vẫn chờ vào vận may?

Hải Nhi 15/12/2020 07:30

Ở nhiều khu vực trồng quýt nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn, trước những năm 2017, nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ, thương lái đến tận vườn tranh nhau mua, người trồng không phải lo đầu ra. Còn hiện tại giá quýt “lao dốc”, vườn nào được khách đặt mua lại là vận may...

Năm nay cam, quýt đều rớt giá. Ảnh: Quang Vinh.

Nông dân khóc ròng

Thời điểm này, nhiều ngả đường của TP Bắc Kạn tấp nập người bán loại quýt hôi- đặc sản nổi tiếng đã tạo được thương hiệu từ nhiều năm qua và đã có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, có một nghịch lý là cả trăm người bán, nhưng người mua lẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thương lái đến mua buôn cũng vắng bóng so với mọi năm. Giá quýt dao động từ 2-9 ngàn đồng/kg khiến người nông dân khóc ròng.

Chị Hoàng Thị Huyền, huyện Bạch Thông cho hay: Nếu như mọi năm quýt đẹp giá trung bình từ 12-15.000 đồng/kg thì năm nay rẻ cũng hiếm hoi người hỏi mua.

“Loại quýt nhỏ chỉ bán khoảng 2.000 đồng/kg. Loại đẹp nhất thì được 9.000 đồng/kg. Vì không phun thuốc bảo quản nên loại quýt này chỉ để được từ 2-3 ngày là hỏng. Nhiều ngày hàng không bán được chúng tôi đổ bỏ chứ không mang về. Tôi và chồng đang tính tới chuyện chặt bỏ quýt để trồng loại cây khác”- chị Huyền tâm tư.

Nhiều người bán hàng cho hay: Quýt ế thừa là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chứ những năm trước còn có xe tải tấp nập, lái buôn lên biên giới thu mua để xuất sang Trung Quốc. Hàng chở đến một số địa phương để tiêu thụ nội địa cũng giảm.

Được biết, tỉnh Bắc Kạn có hơn 3.300 ha cam, quýt, trong đó cây quýt hôi bản địa Bắc Kạn chiếm phần lớn. Quýt được trồng nhiều nhất ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (407 ha quýt, tổng sản lượng năm 2020 là 5.820 tấn).

“Ở những vườn quýt tại xã Quang Thuận, trước những năm 2017, nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ, lái buôn đến tận vườn tranh nhau mua, người trồng không phải đầu ra. Còn hiện tại giá quýt “lao dốc”, vườn nào được khách đặt mua lại là vận may”, chị Nguyệt - người trồng quýt xã Quang Thuận than thở.

Cùng chung số phận với đặc sản quýt hôi Bắc Kạn, cam Bắc Giang, Hoà Bình, Hưng Yên, hay cam Vinh cũng đang bán tràn lan tại Hà Nội với giá chỉ từ 10-15.000 đồng/kg. Giá cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì đang rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Úc và Mỹ.

Giải bài toán thất thoát nông sản

Nhìn thực trạng cam, quýt mùa này, không thể không nhắc tới khâu chế biến và thị trường - điểm yếu của mặt hàng rau quả. Dù giá trị xuất khẩu rau quả trong những năm gần đây có sự tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, công đoạn chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của mặt hàng rau quả.

Hiện nay ở Việt Nam có 145 doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả, chiếm 2,19% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ chế biến chỉ đạt xấp xỉ 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Philippines, tỷ lệ này là 28%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%.

Số liệu mới nhất từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), hằng năm, thất thoát sau thu hoạch nông nghiệp ở Việt Nam lên tới 40 - 45%. Đặc biệt, đối với rau quả mức độ tổn thất có thể lên tới 45%.

Hiện nay, tại Việt Nam, việc cung ứng nông sản tươi chủ yếu vẫn từ đồng ruộng đi thẳng đến các chợ truyền thống, siêu thị mà không có bất cứ hình thức bảo quản nào trước khi đến tay người tiêu dùng. Những kênh này thường không có hệ thống bảo quản khiến nhiều thực phẩm tươi như rau củ, hoa quả… nhanh hỏng, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Ở góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá: Không khó để có thể nhận thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn khá hạn chế, nếu như không nói là còn tương đối yếu. Những câu chuyện về giải cứu các mặt hàng nông sản liên tục trong những năm gần đây là minh chứng cho thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Phía chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ở nước ta, việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu hệ thống bảo quản, thiếu máy móc công nghệ phục vụ chế biến sâu. Thực tế, những công nghệ bảo quản nông sản như chiếu xạ, bảo quản thực phẩm đông lạnh CAS, bao gói khí điều biến (MAP), bảo quản bằng chế tạo màng phủ, bảo quản bằng hệ thống mát - lạnh... đã được một số doanh nghiệp chế biến nông sản áp dụng nhưng chủ yếu được thực hiện lẻ tẻ, chưa đồng bộ và rộng khắp.

Đề xuất giải pháp “giải cứu” nông sản một cách bền vững , PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, phải nhìn nhận từ cả hai phía, nhất là từ phía Nhà nước, cần có sự quan tâm và đầu tư nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ. Có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người nông dân bởi điều kiện của họ còn quá khó khăn. Đối với doanh nghiệp, họ cũng cần có niềm tin khi bỏ vốn đầu tư cho công nghệ, nhưng phải đảm bảo mang lại những kết quả xứng đáng.

“Nhà nước cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn đối với từng nhóm đối tượng, đồng thời có những chính sách cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cũng cần kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, hợp tác công tư với những đối tác có năng lực tốt trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nói riêng cũng như trong nông nghiệp nói chung nhằm tạo cơ hội rất tốt để giải bài toán thất thoát nông sản tại Việt Nam” - theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy.

Hải Nhi