Diễn biến mới cuộc chiến chống Covid-19
Ngày 14/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu nước sạch tại 1/4 số cơ sở y tế trên toàn thế giới đang làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với khoảng 1,8 tỷ người.
Trước đó, LHQ từng cho rằng tới năm 2050, khoảng 4,4 tỷ người trên toàn thế giới sẽ thiếu nước sạch.
1. Cảnh báo trên được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu chung mới đây của WHO và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại 165 quốc gia trên thế giới. Theo WHO, việc thiếu tiện nghi cơ bản gây nguy hiểm cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, hiện đang diễn ra việc đội ngũ y tá và bác sĩ làm việc mà không có trang thiết bị bảo hộ cá nhân, trong khi nhiều cơ sở y tế thiếu nước sạch, không đảm bảo vệ sinh và không có hệ thống xả thải vệ sinh. Đặc biệt phổ biến ở những nước nghèo trong khi đây lại là điều kiện cơ bản để ngăn ngừa Covid -19.
Còn theo Giám đốc UNICEF Henrietta Fore, việc cử các nhân viên y tế và những người đang cần được điều trị đến các cơ sở không có nước sạch, nhà vệ sinh sạch, thậm chí không có xà phòng, cũng giống như đặt tính mạng của họ trước mối nguy hiểm.
Theo số liệu của WHO, mặc dù đội ngũ nhân viên y tế trên thế giới chiếm chưa đến 3% dân số toàn cầu, song có tới 14% trong số này được ghi nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. WHO cũng cho rằng, có tới 1/3 các cơ sở y tế trên thế giới không thể bảo đảm vệ sinh tay, trong khi 1/10 các cơ sở này không thể tiếp cận các dịch vụ thu dọn vệ sinh. Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn tại 47 quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi có tới một nửa số cơ sở y tế không thể tiếp cận nguồn nước sạch.
WHO và UNICEF ước tính cần phải chi 1 USD/người để cung cấp các dịch vụ nước sạch cho các trung tâm y tế tại những quốc gia này.
2. Còn tại Mỹ, quốc gia hiện vẫn “dẫn đầu” thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 cũng như số người tử vong vì Covid-19, trong một thông báo ngày 14/12 khi nước này chính thức đưa vaccine vào tiêm chủng thì các quan chức, phụ tá Nhà Trắng tiếp xúc gần với Tổng thống Donald Trump đã nhận được thông báo chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong khi vaccine Covid-19 được nước này đưa vào tiêm chủng trên quy mô lớn, từ ngày 14/12.
Theo tờ New York Times, ngày 13/12, ngoài nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch có nguy cơ lây nhiễm cao, giới chức Nhà Trắng sẽ là đối tượng đầu tiên được tiêm Covid-19 do Pfizer/BioNTech bào chế. Mục đích của việc này được cho là giúp ngăn chặn nguy cơ quan chức Nhà Trắng nhiễm bệnh trong những tuần cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump. “Trước hết, số quan chức cấp cao thường xuyên tiếp xúc gần với Tổng thống sẽ được tiêm trước” - ông John Ullyot, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
Trước đó, Nhà Trắng trải qua không chỉ một đợt lây nhiễm Covid-19. Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania cùng hơn 10 cố vấn, phụ tá đã từng dương tính với SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Vài tuần sau, đến lượt Phó Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence, ông Marc Short, cùng một số thành viên khác trong văn phòng mắc Covid-19. Điều được cho là “đợt sóng thứ ba đổ bộ vào Nhà Trắng” là sau buổi tiệc đêm của ông Trump, với việc Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và nhiều cố vấn, phụ tá của Tổng thống nhiễm virus SARS-CoV-2.
Với riêng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 như một phần kế hoạch nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động Chính phủ. Dẫn nguồn tin từ Chính phủ, Hãng tin Reuters cho biết các nhân viên chủ chốt tại Nhà Trắng và một số quan chức khác của Mỹ sẽ được tiêm vaccine trong vòng 10 ngày tới. Tuy nhiên, riêng với ông Trump, trước đó đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và hồi phục nên không biết có cần tiêm sớm hay không. Cũng chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Joe Biden, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và các thành viên khác trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden có được tiêm vaccine hay không - theo Reuters.
Trong ngày 14/12, các lô vaccine đầu tiên đã được phân phối đến 145 địa điểm trên toàn nước Mỹ.
3. Trong khi đó, trước những nghi ngờ về tác dụng phụ của vaccine do Pfizer/BioNTech điều chế, các quan chức cấp cao của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, hầu hết người Mỹ có tiền sử bị dị ứng sẽ an toàn khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. FDA là cơ quan phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Mỹ từ tối 11/12 (giờ Mỹ).
“Chúng tôi muốn đảm bảo với người dân rằng, trừ khi họ bị dị ứng nghiêm trọng với vaccine hoặc một trong các thành phần của vaccine, còn nếu không, họ vẫn có thể an toàn khi tiêm”- tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc bộ phận FDA nói đồng thời cho biết có khoảng 1,6% dân số bị dị ứng nghiêm trọng với một số loại thực phẩm, thuốc hoặc yếu tố môi trường.
Được biết, việc tiêm chủng vaacine ngừa Covid-19 ở Mỹ sẽ được bắt đầu với những người từ 16 tuổi trở lên và người tiêm sẽ được chăm sóc sức khỏe, theo dõi trong vòng 30 phút sau khi tiêm để xem có bị dị ứng hay không. Những người cao tuổi được chăm sóc tại các trại dưỡng lão và các nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Tiếp đó, giai đoạn 2, việc tiêm chủng sẽ hướng vào những người lao động thiết yếu, những người có bệnh lý cơ bản và những người trên 65 tuổi.
Vaccine được coi là chìa khóa quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người ở Mỹ (tính đến ngày 14/12).
Giá dầu thế giới đã bật tăng trong phiên giao dịch ngày 14/12, với giá dầu Brent quay về mức trên 50 USD/thùng, nhờ hy vọng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ sẽ làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu. Tuy nhiên, tại châu Âu, nhiều nước vẫn tiếp tục phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch, khiến nhu cầu nhiên liệu giảm. Một ví dụ là nước Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, dự kiến áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn từ ngày 16/12 tới. Cũng trong ngày 16/12, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ sẽ nhóm họp, trong khi OPEC+ sẽ họp vào ngày 4/1/2021 để đánh giá về thị trường nhằm đưa ra quyết định về sản lượng dầu mỏ.