Làm mới khu Long Biên bằng nghệ thuật

Minh Quân 15/12/2020 08:30

Từ ngày 15 đến 31/12, trong không gian gần 1.000 m2 tại Tầng 2, Trung tâm Thương mại Mipec (Ngọc Thụy, Long Biên) diễn ra Triển lãm - Dự án nghệ thuật Cộng đồng quy mô đầu tiên tại khu vực bên kia Sông Hồng với tên gọi Long Biên Art Fair.

Trưng bày tranh tại Trung tâm thương mại Mipec (Long Biên).

Có khoảng 100 tác phẩm bao gồm cả điêu khắc và hội họa của hơn 20 nghệ sĩ sẽ tham dự sự kiện. Các nghệ sĩ đa phần sống và làm việc tại Hà Nội với biên độ tuổi rất rộng. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng năm nay đã 70 tuổi, trong khi điêu khắc gia Đào Tân mới ra trường được vài năm.

Một số anh chị em làm việc toàn phần như họa sĩ Nguyễn Thế Hùng, Lê Thị Minh Tâm trong khi một số khác tham gia giảng dạy ở các trường đại học như thầy Phạm Thái Bình, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Mạnh Linh…

BTC sự kiện cho biết, từ đầu năm 2020, BTC đã dự tính năm khó khăn đối với các nghệ sĩ và là một năm ảm đạm với thị trường nghệ thuật. Nhưng những hoạt động nghệ thuật và triển lãm ở Hà Nội trong những tháng cuối năm lại thể hiện điều hoàn toàn ngược lại. Điểm mặt các không gian triển lãm quan trọng ở Hà Nội, tuần nào cũng phải có 2 tới 3 triển lãm thay phiên nhau khai mạc.

Các nghệ sĩ Hà Nội vốn phải “ém” tác phẩm suốt 6 tháng đầu năm, nhiều triển lãm bị hoãn, rời lịch sau 2 đợt bùng phát dịch, giờ đây được cơ hội bung nở vào mùa triển lãm cuối năm. Hiện tượng mật độ triển lãm dày đặc, thậm chí còn sôi động hơn cùng kỳ năm trước là những nỗ lực từ dòng máu nóng các họa sĩ và người tổ chức nghệ thuật.

Không những sự kiện được tổ chức còn là cái nhìn tổng thể về “độ nóng” của thị trường thị trường mỹ thuật hiện nay. Bởi thực tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn là một câu hỏi lớn mà những người quan sát trong ngành không ai dám đưa ra một nhận định chắc chắn.

Sự “tạm ngưng” hoặc “hoãn ra mắt” của một số nhà đấu giá nghệ thuật quan trọng ở Hà Nội, sự biến mất của rất nhiều gallery trên những phố lớn là sự thật không thể không khiến những người trong lĩnh vực mỹ thuật lo lắng.

Mặc dù, Việt Nam khéo léo tránh né được ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch nhưng lượng khách sưu tập nước ngoài không tham gia nhiều trong năm nay. Và những ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ tới tâm lý người mua nghệ thuật nội địa vốn phần nhiều là các doanh nhân. Bởi vậy, ngay chính những người tổ chức Long Biên Art Fair 2020 cũng phải thừa nhận việc tổ chức sự kiện trong thời điểm này là một việc liều lĩnh.

Về ý tưởng tổ chức sự kiện Long Biên Art Fair, nghệ sĩ Bùi Việt Bằng- Trưởng BTC cho biết: Thực ra đã được các anh em trong BTC ấp ủ từ lâu. Long Biên được coi là quận nghệ thuật của Hà Nội. Khu vực Ngọc Thụy, Ngọc Lâm… được gọi là làng nghệ sĩ, vì đất khu này cho thuê rẻ, mặt bằng các sân vườn rộng rãi, gió sông thoáng mát, tiện cho các họa sĩ bầy bừa vẽ tranh, nặn tượng và tụ hội.

Nghệ sĩ Bùi Việt Bằng cũng chia sẻ thêm, các xưởng tranh, xưởng điêu khắc được các nghệ sĩ chủ nhân giới thiệu là “cứ qua cầu Long Biên là tới xưởng tôi”. Tuy vậy, người dân trong khu vực quận Long Biên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật. Ngoài những dịp hãn hữu, nhiều năm trước, hòa với đám đông đi xem nghệ sĩ Đào Anh Khánh diễn Đáo Xuân, hoặc thỉnh thoảng có thấy các phương tiện chở tượng, chở tranh chạy qua chạy lại, không có không gian nào bày tác phẩm nghệ thuật đủ mở để người dân tới xem không ngần ngại. Tác phẩm nghệ thuật duy nhất mà họ được tiếp xúc ở khu vực này, ngày ngày đi trong nó, lại là một tác phẩm có lâu lắm rồi, từ thời Pháp thuộc - cây cầu Long Biên.

“Suy nghĩ, đắn đo là vậy, nhưng với không khí của các triển lãm đang đua nở, chúng tôi lại càng nung nấu tổ chức một hội chợ triển lãm nghệ thuật để nghệ thuật đẳng cấp được đến với công chúng rộng rãi hơn. Sự kiện Long Biên Art Fair ra đời với tất cả máu nóng nhiệt huyết của các thành viên BTC”- nghệ sĩ Bùi Việt Bằng nói.

Có thể nói, một triển lãm nghệ thuật nằm trong một trung tâm thương mại là điều không mới mẻ. Bởi ở nước ngoài, xu thế đặt các không gian nghệ thuật, phòng tranh ở bất cứ nơi nào có lượng người qua lại cao với tư duy hiện đại khi người ta dễ tìm đến với nghệ thuật, thì nghệ thuật mới nhanh đến với công chúng.

Tất nhiên, ở giai đoạn đầu với sự kiện Long Biên Art Fair khi đưa mô hình này thực hiện ở Việt Nam, sẽ có những khó khăn nhất định, như cách thức truyền tải thông tin tác phẩm đến những người xem vốn thuộc nhiều nhóm xã hội khác nhau, làm thế nào đảm bảo rằng sự “tương tác” của đám đông với tác phẩm phải nằm trong khuôn khổ an toàn…

Mặt khác nhưng không kém phần quan trọng khác, là nguồn vốn và đầu ra cho sự kiện. Việc gọi tài trợ cũng như tìm nguồn khách cho các tác phẩm đều là sự chung tay của cả ban tổ chức lẫn các nghệ sĩ. Không chuyên gia nào đoán định được thị trường trong giai đoạn này.

Minh Quân