EVFTA - Cú huých xuất khẩu

Minh Phương 15/12/2020 12:27

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, song bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua vẫn đầy màu sáng.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, trong khó khăn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 11 tháng của năm 2020 vẫn đạt một con số ấn tượng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt khoảng 489 tỷ USD, tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2019, ước tính cả năm là con số này sẽ là 527 tỷ USD, tăng 1,8% so năm 2019.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so năm 2019.

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc nhờ EVFTA. Nguồn: Internet.

Trong khi các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm vì buộc phải đưa ra các chính sách tạm ngừng xuất nhập khẩu vì Covid-19, thì riêng Việt Nam lại tăng trưởng xuất khẩu dương.

Một trong những động lực thúc đẩy xuất khẩu chính là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020. Giới chuyên gia nhận định, việc thực thi EVFTA mở ra hàng loạt cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với những ưu đãi lớn về thuế quan.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu các lĩnh vực nông lâm, thủy hải sản đều tăng ấn tượng kể từ khi EVFTA được hiện thực hóa. Theo đó, trong tháng 10, thủy sản xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD.

“Những điểm sáng này hoàn toàn nhờ vào những ảnh hưởng tích cực từ EVFTA” - VASEP nhấn mạnh.

Xuất khẩu tôm đã có bước phát triển mạnh trong tháng 10 khi tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 430 triệu USD. Tổng 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu tăng mạnh tới 42%.

Tương tự, các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo… cũng tận dụng ngay được cơ hội từ EVFTA khi có những đơn hàng đầu tiên sang thị trường châu Âu ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Xuất khẩu gạo cũng có nhiều khởi sắc.

Đáng chú ý, theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua với mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước, trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI lại tăng trưởng âm.

Ông Hải cho biết, các DN Việt đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA, mở rộng được nhiều thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, với việc EVFTA được thực thi, xuất khẩu sang châu Âu liên tục tăng trưởng.

Xuất khẩu cà phê nhận được nhiều đơn hàng mới sang châu Âu.

Mới đây nhất, việc ký kết Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ sản phẩm dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng dệt may xuất khẩu sang Châu Âu, giải tỏa những lo lắng của các DN dệt may khi đối diện với quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” được đưa ra tại Hiệp định này.

Theo Bộ Công Thương, thỏa thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp DN Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU.

Doanh nghiệp dệt may "dễ thở " hơn với quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi".

Giới chuyên gia nhận định, EVFTA chính là một cú huých cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Châu Âu, từ đó mở rộng ra các thị trường trên thế giới. Đồng thời, những quy định khắt khe của Hiệp định này cũng là động lực để các DN Việt Nam lớn mạnh thêm.

Minh Phương