77% số ca đuối nước trẻ em ở cộng đồng
Ngày 15/12 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức hội thảo "Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em".
Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước đã giảm. Nếu như năm 2010, cả nước có 3.300 trẻ em tử vong do đuối nước, thì con số này đã giảm còn 2.000 vào năm 2019. Tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam, trong số này trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất trong các độ tuổi.Đáng chú ý, có tới hơn 77% số ca tai nạn đuối nước của trẻ em là ở cộng đồng (như ao, hồ, sông, suối, biển...).
Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của người lớn và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, từ đó có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích do đuối nước.
Đưa ra giải pháp hạn chế đuối nước ở trẻ em nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh dạy bơi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; tăng cường giám sát trông giữ trẻ nhất là trong dịp hè; triển khai các chính sách hỗ trợ các trẻ em, gia đình nghèo tiếp cận dịch vụ bơi…; thu hút nguồn lực cho công tác xã hội hóa trong phòng chống đuối nước cho trẻ em…
Kinh nghiệm quốc tế cho biết, chi phí dạy kĩ năng bơi cho trẻ em là 30 USD, tương đương khoảng 700.000 VNĐ tuy nhiên ở Việt Nam nhiều địa phương chỉ cần 300.000 đến 400.000 đồng là có thể dạy cho một trẻ biết bơi và kỹ năng ứng phó khi ở môi trường nước. Chính vì vậy, để giải bài toán đuối nước ở trẻ em cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương trong việc dành nguồn lực, nhân lực cho công tác này. Bên cạnh đó cần phải luật hóa xử lý những đối tượng trẻ em bị đuối nước.