Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19: Những điểm sáng

Nam Việt 15/12/2020 16:00

Nghị quyết A/RES/75/27 về “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” - ngày 27/12 hàng năm là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất.

Việt Nam đẩy nhanh tiến độ điều chế vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 7/12/2020, thông tin từ Liên hợp quốc, tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 về “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” - ngày 27/12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng của thế giới, nên đề xuất của Việt Nam nhanh chóng được Đại hội đồng tán đồng. Chưa hết, ngày 10/12, chúng ta chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam, đưa Việt Nam vào số ít các quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và điều chế vaccine ngăn chặn SARS-CoV-2. Và, kể từ ngày 31/11 khi chính thức phát hiện bệnh nhân Covid-19 mới lây lan trong cộng đồng (BN1342) tại TP.HCM, tới nay cả nước không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đó là thành tích dập dịch đáng nể phục của Việt Nam, trong khi các quốc gia trong khu vực diễn biến dịch bệnh rất phức tạp.

1. Đề xuất “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia, được đánh giá là hết sức phù hợp, mang tính nhân văn sâu sắc. Đề xuất ấy đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. Các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent - Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam và 107 nước khác tại tất cả các khu vực đã tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết.

Ngày 27/12 được Việt Nam đề xuất và LHQ chấp thuận chọn làm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur - một trong những nhà vi trùng học đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Ông sinh năm 1885 và mất năm 1895, cho tới nay các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vaccine vẫn đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan tới các ngày về Y tế dự phòng và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhưng đây là Nghị quyết đầu tiên về Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh, tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng, các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế về việc thường xuyên phòng bệnh, thường xuyên phòng dịch, đồng thời tăng cường năng lực để khi dịch bệnh xảy ra phải có đủ năng lực để đối phó kịp thời và đầy đủ với dịch bệnh đó và dập tắt nó nhanh chóng. Đồng thời, nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương ở cả 4 cấp độ: cá nhân, cộng đồng, quốc gia, và quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Một trong những lý do quan trọng đề xuất này của Việt Nam được ủng hộ tuyệt đối và rất nhanh chóng chính là từ thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ròng rã gần 1 năm qua. Cho tới nay, khi thế giới đang tiến dần tới con số 70 triệu người bị nhiễm SARS-CoV-2 thì con số đó ở Việt Nam chưa tới 1.400 (1376 ca dương tính, tới chiều ngày 7/12/2020). Trong đại dịch này, đến nay nhân loại đã mất đi 1.535.635 người do Covid-19 (tính đến chiều ngày 7/12/2020), thì Việt Nam đã hạn chế ở mức thấp nhất có thể: 35 người.

Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 không phải là sự “ăn may”, mà đến từ chủ trương đúng, quyết tâm lớn, sự chung sức chung lòng của toàn dân. Trong đó, vai trò của ngành y tế là rất lớn. Tới thời điểm này, Thông điệp “5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” để giữ an toàn cho bạn và chúng ta trước đại dịch Covid-19 của ngành Y tế Việt Nam đã phổ biến rộng rãi trên phạm vi thế giới.

2. Ngày 10/12/2020, chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam chính thức bắt đầu. Đó là thành công “vượt trên cả sự mong ước” của Việt Nam ta trong cuộc chiến đầy cam go chống lại SAR-CoV-2, kẻ thù vô thanh vô ảnh đang đày đọa loài người.

Việc hết sức nhanh chóng có được kết quả quan trọng trong nghiên cứu, điều chế vaccine ngừa Covid-19 một lần nữa cho thấy trí tuệ của người Việt Nam; khi mà nền y tế nước nhà không thể sánh được với hệ thống y tế đầy đủ, hiện đại của những quốc gia giàu có trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó 3 đơn vị là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Cụ thể, hôm nay, ngày 10/12, NANOGEN sẽ phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid -19 của Việt Nam.

“Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Cùng đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không đợi kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Gấp rút nhưng không đốt cháy giai đoạn, không bỏ qua quy trình khoa học, cho đến khi vaccine Covid-19 “made in Vietnam” chính thức được tiêm chủng, chặng đường phía trước vẫn còn dài. Vui mừng, tự hào nhưng không thể chủ quan, vì nói như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nếu không làm chặt chẽ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng lưu ý, lúc “yên” nhất thì lại càng cần cảnh giác.

3. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của đất nước suốt từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy đây là cuộc chiến đầy cam go. Trong giai đoạn 1, chúng ta từng có 99 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ở giai đoạn 2, chúng ta cũng có được 88 ngày “bình yên”, sau khi dập được sự bùng phát dịch từ Đà Nẵng (bắt đầu từ ngày 25/7). Cho đến ngày 31/11, với việc phát hiện ca lây nhiễm mới (bệnh nhân 1342) tại TP HCM, cả nước lại bước vào cuộc chiến đấu mới.

Lần này, chúng ta rất chủ động, bình tĩnh và tin tưởng. Vì rằng, với kinh nghiệm thành công và những bài học rút ra từ hai giai đoạn chống dịch trước đó, những biện pháp khẩn trương, quyết liệt và đúng đắn đã lập tức được triển khai. Công việc truy vết, xét nghiệm với tất cả các F1, F2 liên quan đến 4 ca lây nhiễm mới phát hiện được tiến hành. Không bỏ sót bất cứ trường hợp nào có nguy cơ và toàn dân lại tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng lại được phát động.

Chính vì công tác khoanh vùng, truy vết, xét ngiệm được tiến hành rất đồng bộ nên chúng ta đã nhanh chóng khống chế được sự bùng phát dịch ra cộng đồng. Đây không phải là điều dễ dàng vì những gì đang diễn ra rất phức tạp ở nhiều quốc gia đã nói lên điều đó.

Ca bệnh nhân 1342 là trường hợp đầu tiên lây nhiễm Covid-19 từ khu cách ly, sau khi về nhà bệnh nhân này lây nhiễm cho người khác (BN1347). Từ BN1347 lại có thêm 2 người nữa bị lây nhiễm (tổng cộng 4 ca). Nhắc lại điều đó để thấy nếu không phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp y tế khẩn cấp và chặt chẽ thì sự lây lan sẽ rất khủng khiếp, vì TP HCM là nơi mật độ dân số cao, người qua lại thành phố hàng ngày rất lớn, hoàn toàn có thể không chỉ “gây họa” trong thành phố mà còn kéo ra nhiều địa phương khác.

Cho đến ngày 5/12, kiên quyết khoanh vùng, truy vết để dập dịch, TP HCM đã cách ly tập trung 1.743 người và lập nhiều “‘hàng rào” chống dịch. Còn số người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú lên đến 2.390 người.

“Tại sao chúng ta lại tập trung trọng tâm cho việc điều tra xử lý các trường hợp F1,F2? Bởi nếu quản lý tốt nhóm này, chúng ta cơ bản kiểm soát được chuỗi lây truyền. Khi thực hiện truy vết nhanh, xét nghiệm khẩn các F1 sẽ phát hiện sớm trường hợp dương tính và khi đó ngành y tế sẽ truy vết, khoanh vùng tiếp để cắt đứt nguồn lây hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nói.

Đó cũng chính là chủ trương chung, nhất quán của ngành Y tế Việt Nam trong cuộc chiến dập dịch, và đó đã là nguyên nhân quyết định giúp chúng ta thành công (trước khi có vaccine). Nói như PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì nếu khống chế được số mắc Covid-19 đợt này dưới 10 ca bệnh là ngăn được lây nhiễm chu kỳ thứ ba.

“Tôi cho rằng có thể dập tắt được ổ dịch tại TP HCM, nhưng chúng ta không được chủ quan lơ là vì có thể có những trường hợp chưa phát hiện được do có nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ mà người dân không khai báo và không đến trạm y tế, không phát hiện và có thể lây lan”, ông Phu nói.

Như vậy, có thấy rất rõ ràng rằng Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta không hề chủ quan. Đó vừa là trí tuệ, vừa là ý chí và bản lĩnh của người Việt Nam ta. Càng trong những lúc nguy nan thì những phẩm chất tuyệt vời đó càng chói sáng.

Nam Việt