Chọn cán bộ cho Đảng cũng là chọn cán bộ cho Dân
Ngày 14/12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Hội nghị hết sức quan trọng trước khi bước vào Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng dự kiến vào đầu năm 2021.
Hội nghị 14 với các nội dung chính: Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII; Dự thảo Quy chế bầu cử; Quy chế làm việc tại Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Đây là những nội dung hết sức quan trọng, trong đó nội dung giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội. Vì rằng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, cán bộ nào thì phong trào đó, thành bại cũng từ đội ngũ cán bộ - nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Từ ngày thành lập Đảng (3/2/1930) đến nay, công tác cán bộ luôn được Đảng coi trọng. Người cán bộ Đảng luôn tắm mình trong các phong trào cách mạng, được trui rèn trong “lửa đỏ và nước lạnh”, luôn luôn thực hiện theo phương châm “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Tiên phong gương mẫu, luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết - đó chính là phẩm chất cao quý của người cộng sản.
Tuy nhiên, trong quá trình ấy, trong đội ngũ cũng đã xuất hiện một số kẻ suy thoái biến chất, đi ngược quyền lợi của Dân của Nước. Dẫu rằng đó chỉ là con số nhỏ nhưng nó làm suy giảm niềm tin của xã hội vào Đảng, vào chế độ. Đảng ta đã xác định, đó chính là “giặc nội xâm” phá từ trong phá ra hết sức nguy hiểm. Chính vì thế, công cuộc đấu tranh chống suy thoái trong Đảng, mà nổi bật là cuộc chiến đấu với tệ nạn tham nhũng đã được Đảng ta phát động, đẩy mạnh, không có vùng cấm.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 (ngày 12/12/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thấy rằng tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 7 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Cũng trong 7 năm qua, các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (năm 2016) đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Như vậy, có thể nói, thời gian gần đây, nhất là kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII (năm 2016) đến nay, việc đấu tranh làm trong sạch đội ngũ được Đảng tiến hành hết sức mạnh mẽ. Không có bất cứ thời kỳ nào, khóa nào lại có nhiều cán bộ đảng viên cấp cao bị kỉ luật, xử lý nhiều đến thế, đặc biệt không ít người phải ra tòa, vào tù. Con số xử lý tài chính từ các sai phạm cũng rất lớn: Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỉ đồng, hơn 20.000 hec-ta đất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không ít lần nói rằng việc xử lý nghiêm cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm.
Việc Đảng ta kiên quyết loại bỏ sâu mọt, làm lành mạnh bộ máy được toàn dân ủng hộ. Loại bỏ sâu mọt cũng là để xây dựng bộ máy trong sạch, đủ sức mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đang diễn ra, mà nội dung rất quan trọng là giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chính là chọn bộ cấp cao, cấp chiến lược cho Đảng. Nhưng, suy cho cùng, chọn cán bộ cho Đảng cũng là chọn cán bộ cho Dân. Vì, Đảng ta là Đảng của toàn thể nhân dân Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước mà phục vụ.
7 năm qua (từ năm 2013 đến nay), các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (năm 2016) đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).