Khai thác tiềm năng du lịch biển đảo
Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phải “đau đầu” tìm biện pháp kích cầu. Ở đó, việc khai thác du lịch các đảo ven biển đang là một hướng đi phù hợp, đặc biệt là với đối tượng du khách trong nước.
Với việc sở hữu đường bờ biển dài trên 3.200km, Việt Nam đang sở hữu một hệ thống đảo ven bờ Việt Nam có giá trị lớn về kinh tế, trong đó có du lịch. Các bãi tắm trên các đảo tuy nhỏ nhưng hầu hết đều rất đẹp, bãi cát mịn, nước trong xanh, môi trường trong lành. Đó là điều kiện thích hợp để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái...
Với những lợi thế đang có sẵn, mới đây nhằm kích cầu du lịch hậu Covid-19, hàng loạt các địa phương đã cùng chung tay vượt khó. Đơn cử như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng… đã kết hợp với nhiều tỉnh thành xây dựng những chương trình liên kết vùng để kích cầu du lịch với đối tượng du khách nội địa.
Hay trước đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định “du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam”. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triền bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm.
Tuy nhiên, thời gian qua, cơ hội này cũng đang đặt ra vô số những thách thức. Bởi thực tế trong quá trình khai thác, xây dựng, phát triển du lịch biển đảo của các địa phương có biển, đảo đã bộc lộ nhiều bất cập. Ở đó có sự thiếu sự liên kết của chính các tác nhân trong quá trình xây dựng phát triển du lịch, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Trong khi xu hướng hiện nay là liên kết phát triển du lịch biển đảo và hợp tác. Việc lựa chọn thế mạnh để phát triển và liên kết phát triển du lịch biển đảo là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển, điều đó sẽ giúp các tỉnh, vùng tiết kiện được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ của địa phương…
Về vấn đề này, theo bà Đặng Thị Giang- Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng phân tích: Đi cùng với tiềm năng, cơ hội phát triển, lĩnh vực phát triển kinh tế biển đảo nói chung và du lịch biển đảo nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm vùng bờ, phát triển du lịch biển một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, thiên tai, lũ lụt…
Bên cạnh đó, các quy hoạch khai thác sử dụng biển đã xây dựng trước đây đều là quy hoạch ngành. Bà Giang cũng dẫn chứng, có thể lấy quy hoạch cảng biển làm ví dụ. Cả nước hiện được quy hoạch thành 5 nhóm cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam và theo quy hoạch, lượng hàng hóa thông qua cảng chiếm từ 900-1.100 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Hệ thống cảng được quy hoạch phục vụ cho sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cảng ở nhiều nơi được xây dựng quá sát nhau, thiếu các hạ tầng hỗ trợ. Khu vực cảng lại chưa kết hợp được với các ngành khác như thủy sản, du lịch…
Đặc biệt, không gian xây dựng cảng biển thường ở những nơi có các hệ sinh thái nhạy cảm và rất giá trị. Điều này khiến các hoạt động của cảng tác động tiêu cực đến sinh thái và môi trường tự nhiên, như làm mất các nơi sinh cư của động thực vật, gây ô nhiễm nước, không khí và đất xung quanh khu vực cảng.
Những tác nhân gây ô nhiễm vùng cảng biển lớn nhất là dầu mỡ khoáng, các phế thải trên tàu và phế liệu xây dựng xả xuống biển. Do đó, hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển cũng có xu hướng gia tăng tại các khu vực vịnh và cảng biển.
Để giải bài toán này, theo một số nhà quản lý và những đơn vị làm du lịch, cần có những biện pháp tối ưu với mục đích “đôi bên cùng có lợi”, chung tay qua khó khăn để phát triển bền vững. Trong đó, việc phát triển du lịch biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Các đơn vị “chủ nhà” là các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển du lịch biển, đảo và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu ra nghị quyết, chỉ thị về phát triển du lịch biển, đảo, trong đó cần đề cập đến nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh trong các khu du lịch, hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (xây dựng hệ thống bến cảng, cầu cảng, bến neo đậu tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo Lăng Cô, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc…).
Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch biển, đảo theo hướng “lưỡng dụng” không làm ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn.
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, 3 nhóm nhiệm vụ sẽ được tập trung triển khai, gồm: Quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực; Chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.