Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận Giải văn học thành tựu trọn đời
Ngày 15/12, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã vinh dự nhận Giải văn học thành tựu trọn đời do Hội Nhà văn Hà Nội trao. Cùng với lễ vinh danh, Hội Nhà văn Hà Nội đã long trọng trao các tặng thưởng và làm lễ kết nạp hội viên mới tại Lễ tổng kết.
Lễ trao thưởng năm nay không được mùa như những năm trước. Văn xuôi và lý luận phê bình không có tác phẩm nào được trao. Thể loại thơ được trao cho tác phẩm “Phút rành rang sống chậm” - tập thơ cuối cùng của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn.
Có thể nói tinh hoa thơ của Nguyễn Trọng Hoàn dồn hết vào tập thơ này với trường mỹ cảm sâu lắng của thơ trữ tình ở những cung bậc khác nhau. BCH Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá: “Nguyễn Trọng Hoàn đi nhiều viết nhiều và đã khắc họa được cảm xúc lãng mạn và hình ảnh chân thực về các miền quê cùng những trăn trở ưu tư của con người thời đô thị hóa công nghiệp hóa, điều quan trọng nhất, anh vẫn giữ được vẻ đẹp của ngôn ngữ và bản sắc thơ Việt ngay ở cả những bài thơ viết theo lối cách tân”.
BCH Hội đã trao giải thưởng cho dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và Quân Khuê chuyển ngữ tiểu thuyết “2666” của nhà văn Roberto Bolano (Chile). Roberto Bolaño (1953-1999), là nhà văn kiệt xuất người Chile, tác giả nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận văn chương. Tuy sống một cuộc đời khá ngắn ngủi nhưng ông để lại di sản đồ sộ, được thời báo New York gọi là “tiếng nói văn chương Mỹ Latinh quan trọng nhất trong thế hệ”.
Hội đồng nhận định, đây là một cuốn sách dày, kén người đọc. Phải là người đọc thật sự nhiệt thành, thật sự đam mê văn học thì mới đủ kiên nhẫn đọc trọn vẹn tác phẩm gần ngàn trang, trang nào cũng ngồn ngộn con chữ này. Nhưng khi đọc hết cuốn sách, chúng ta sẽ khám phá thấy một thế giới văn chương khác và đó là điều vô cùng cần thiết với cả người trong nghề cũng như người thưởng thức. Tuy cuốn tiểu thuyết do hai người dịch nhưng không thấy có sự chênh nhau.
Lễ tôn vinh nhà văn Hoàng Quốc Hải với Giải văn học thành tựu trọn đời diễn ra giản dị nhưng trang trọng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938, là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông làm báo, viết văn, là chuyên viên văn hóa phong tục nhiều năm tại Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) cho đến khi nghỉ hưu.
Ông viết tiểu thuyết, ký, truyện ngắn, tiểu luận, tản văn, nhiều công trình khảo cứu về văn hóa phong tục…, nhưng đặc sắc nhất là tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Trong đó phải kể đến hai pho đồ sộ là Bão táp triều Trần (6 tập) và Tám triều Vua Lý (4 tập), tổng cộng hơn 6.500 trang, đưa ông vào vị trí những người viết tiểu thuyết lịch sử quan trọng nhất hiện nay.
Với quan niệm nhất quán “nhà văn là người giải mã lịch sử” (thông qua văn học) chứ không phải là minh họa hay kể chuyện lịch sử, tiểu thuyết của ông luôn chứa đựng những thông điệp, những bài học lịch sử đắt giá gửi tới ngày hôm nay.
Có lẽ vì thế mà tuy sách của ông rất dày, nhưng vẫn đều đặn được tái bản. Ở tuổi ngoài 80, nhưng hầu như những cuộc gặp mặt văn chương nào ông cũng có mặt, và khi phát biểu, ông thường đưa ra những ý kiến sắc sảo, độc lập về nghề văn, về văn hóa theo nghĩa rộng và thời cuộc.
Trong đời thường, nhà văn Hoàng Quốc Hải nổi tiếng là người trung thực, thẳng thắn nhưng rất điềm tĩnh khi nói về chuyện đời, chuyện nghề. Đặc biệt, ông luôn dành sự ưu ái, cổ vũ những người viết trẻ và cũng nhận lại từ họ sự kính trọng, ngưỡng mộ. Không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà văn hóa uyên bác về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Hiện ông vẫn miệt mài với những chuyến đi điền dã, tìm kiếm những tư liệu ẩn khuất sau hàng nghìn năm lịch sử, là tấm gương về lao động nhà văn.
Cũng tại lễ tổng kết, BCH Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã kết nạp 41 hội viên mới trong đó 3 hội viên văn xuôi, 3 hội viên ngành lý luận phê bình và 35 hội viên ngành thơ.