Công bố hơn 400 trang nhật ký của người đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ

Hoàng Thu Phố 16/12/2020 18:01

Ngày 16/12 tại Hà Nội, NXB Trẻ kết hợp với Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát ra mắt cuốn sách “Nhật ký phi công tiêm kích”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ hai từ trái sang) tặng chữ ký cho độc giả.

Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của ông vừa ra mắt dịp này dày 440 trang, mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc...

Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, ông bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20/3/1966, sau khi sang Liên Xô được 8 tháng. Ông viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường… Ở “mặt trận trên không”, hiên ngang đối đầu với những cỗ máy chiến tranh tối tân, hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là một mốc son chói lọi của Không quân nhân dân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.

Cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” cung cấp cho độc gải nhiều câu chuyện của một thời.

Khác với đa số các cuốn nhật ký được xuất bản gần đây thường do đại diện gia đình công bố, “Nhật ký phi công tiêm kích” do đích thân Trung tướng Nguyễn Đức Soát đồng ý xuất bản. Trung tướng Nguyễn Đức Soát tiết lộ ông chỉ giữ lại một số trang ít ỏi (khoảng 15%) vì trùng lặp hoặc riêng tư, còn lại tất cả nhật ký những ngày đánh nhau không bỏ ngày nào.

“Tôi viết thế nào cho in như thế, không điều chỉnh gì cả. Mình tôn trọng sự thật, đừng biến nhật ký thành hồi ký mà nó hỏng đi mất”- Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói.

Có mặt tại sự kiện, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, một đồng đội phi công đàn anh của Nguyễn Đức Soát cho biết, khá bất ngờ và khâm phục khi phi công Nguyễn Đức Soát đã ghi lại nhật ký suốt 7 năm học tập và tham gia chiến đấu, ngay cả những thời gian cuộc chiến tranh ở giai đoạn ác liệt.

Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Ông Thiều cho rằng đây là cuốn sách “phi hư cấu” rất quan trọng, vì mỗi trang viết chứa đựng những dữ kiện của lịch sử, cung cấp nhiều tư liệu chân thực nhất để các nhà văn về sau muốn viết về không quân Việt Nam trong những ngày tháng xa xưa có thể dựa vào làm căn cứ.

Hoàng Thu Phố