Cán bộ Mặt trận và người dân vùng lũ
Mặc dù đợt lũ lịch sử trôi qua đã 2 tháng nhưng đội ngũ cán bộ Mặt trận ở vùng “rốn lũ” chưa được ngơi nghỉ, công tác cứu trợ vẫn dồn lên vai những người làm công tác Mặt trận ở Hà Tĩnh.
Hồi sinh sau lũ
Những mầm xanh cây trái bắt đầu mọc lên tua tủa trên những cánh đồng, vườn tược của người dân vùng lũ Hà Tĩnh. Đàn vật nuôi như gà, vịt, trâu, bò…hiện diện trong chuồng trại của mỗi người dân. Khó khăn, hoạn nạn dần đi qua, sự sống dần hồi sinh.
Trong guồng quay của sự hồi sinh ấy, cán bộ Mặt trận vẫn là những người “đắm chìm” vào việc tính toán, lập danh sách, đề xuất phương án hỗ trợ người dân vùng lũ vươn mình đứng lên. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) khi đang tập trung rà soát danh sách đối tượng hỗ trợ để cung cấp cho Tổ chức Oxfam và HCCD (Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh).
Theo ông Hoan, song song với công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, đợt lũ vừa qua Ban tiếp nhận cứu trợ xã đã tiếp nhận và phân phối từ 106 đoàn cứu trợ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc về giúp dân Cẩm Thạch. Hơn 12.000 suất quà trị giá hơn 4 tỷ đồng cùng 2 tỷ đồng hiện vật quy ra tiền đã được Ban tiếp nhận cứu trợ xã cấp phát đến tận thôn, xóm và người dân đảm bảo công bằng, minh bạch.
“Hiện nay chúng tôi đang tiếp nhận 9.000 con gà giống và 1.000 con vịt cùng thức ăn chăn nuôi, sau đó sẽ cấp phát cho người dân để tái tạo lại đàn nuôi. Xã cũng lập danh sách 6 hộ dân có bò bị chết trong lũ. Sắp tới, huyện sẽ tìm nhà cung ứng giống bò (mỗi con 15 triệu đồng) và trao tận tay cho người dân” - ông Hoan cho biết thêm.
Với cách làm khoa học, bài bản, phối hợp đồng bộ giữa cán bộ thôn xóm với xã, cụ thể là Ban tiếp nhận cứu trợ do Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đứng đầu nên việc tiếp nhận và phân bổ cứu trợ ở Cẩm Thạch nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 3659 về việc ban hành Quy định tạm thời một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống trên địa bàn tỉnh. Cẩm Thạch có 2 người dân bị thương trong lũ đã nhận được hỗ trợ 5 triệu đồng/người. Xã đã lập danh sách 8 hộ dân cần xây dựng nhà ở trước Tết Nguyên đán đề xuất lên huyện và đã có 1 hộ dân được nhận hỗ trợ đã khởi công xây dựng.
Tập trung hỗ trợ sinh kế
Lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 vừa qua khiến toàn huyện Cẩm Xuyên có 150 thôn của 19 xã, thị trấn bị ngập, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 13.000 hộ dân với hơn 43.000 nhân khẩu. Đặc biệt, 7 xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan bị ngập sâu và cô lập. Mức ngập bình quân tại các xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ này là 2,2 m, có điểm ngập lên tới 2,5 m.
Ông Nguyễn Thành Long - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên cho biết, ngay khi lũ đang diễn ra, MTTQ huyện đã thành lập Ban Cứu trợ từ huyện đến xã và chia ra thành từng tổ để tiếp nhận, phân bổ cứu trợ với phương châm nhanh, kịp thời, cơ động.
Đối với những xã bị nước lũ cô lập, huyện huy động xe gầm cao chở hàng cứu trợ về tận xã, tập kết hàng cứu trợ ở các điểm đầu mối sau đó bố trí thuyền của các lực lượng chức năng đưa đến tận hộ dân. “Tất cả hàng hóa cứu trợ do huyện tiếp nhận đều được phân bổ ngay, đảm bảo không vượt quá thời gian và đưa trực tiếp về cho người dân và không để tồn đọng bất cứ hàng hóa nào tại huyện” - ông Long khẳng định.
Tất cả các đoàn cứu trợ về địa phương đều được tư vấn trao trực tiếp cho người dân, vừa thuận lợi cho cơ sở, vừa để các đoàn biết được thực trạng cuộc sống người dân bởi tâm lý của người cứu trợ muốn trao trực tiếp cho dân để biết phần quà có đến tận tay người dân hay không. Vì vậy, hàng hóa, vật phẩm đến với người dân rất kịp thời, đảm bảo không ai bị đói, rét trong lũ.
Đối với đối tượng nhận quà, MTTQ huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo xã, thôn, xóm phải có bộ phận thường trực chuyên khảo sát, lập danh sách các đối tượng theo thứ tự ưu tiên. Hầu như chỉ sau 1 đến 1,5 tiếng đồng hồ, đoàn cứu trợ nhận được danh sách và tập hợp để trao cho người dân.
Đến nay, cấp huyện và xã ở Cẩm Xuyên đã đón hơn 1.400 đoàn cứu trợ với tổng số tiền hơn 66 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 39 tỷ đồng, hàng hóa quy ra tiền hơn 27 tỷ đồng.
“Với hàng nghìn đoàn cứu trợ về xã và huyện như thế nhưng gần như không để lại thông tin trái chiều nào. Có thể nói, sự phối hợp, trách nhiệm và văn hóa nhận quà của người dân Cẩm Xuyên rất cao, không có sự tranh giành, tị nạnh. Thậm chí, có 2 hộ dân ở Cẩm Mỹ tìm thấy 4 chỉ vàng trong quần áo cũ của hàng cứu trợ, họ thông báo cho chính quyền để tìm người trả lại, điều này không phải ai cũng làm được” – ông Long phấn khởi nói.
Ngay khi lũ rút, MTTQ huyện Cẩm Xuyên phát động toàn dân ra quân dọn vệ sinh môi trường, với phương châm lũ rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó, huyện đã huy động lực lượng đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn. Đặc biệt huy động lực lượng ở các xã không bị ngập lụt đến hỗ trợ các xã ngập lụt. Vì vậy, mọi đường làng, ngõ xóm đều được dọn dẹp sạch sẽ, rác thải, xác súc vật, động vật được dọn dẹp, tiêu hủy, đảm bảo không phát sinh bệnh dịch trên địa bàn.
Sau lũ, cấp ủy, chính quyền, MTTQ huyện Cẩm Xuyên tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân. Huyện thành lập 6 đoàn công tác về khảo sát ở tất cả các xã bị ngập lụt, tiến hành kê khai, lập danh sách, họp bàn, tổ chức niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn về đối tượng bị thiệt hại. Sau đó, xác định số lượng, chủng loại giống rau, cây, con và kịp thời cấp phát cho nhân dân tái thiết cuộc sống sau lũ. Ngoài phân phát gạo cứu trợ của quốc gia thì tập trung mua giống rau, phối hợp với các doanh nghiệp mua các giống con như lợn, bò, gà…để hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Hiện nay, đối với những hộ không may bị thương và mất trong lũ đã được hỗ trợ theo Quyết định 3659 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. “Ban Cứu trợ huyện và Quỹ Vì người nghèo huyện đang khảo sát, kêu gọi các doanh nghiệp, trước mắt hỗ trợ khoảng 25 nhà Đại đoàn kết để làm nhà ở trước Tết Nguyên đán cho dân. Đến nay đã khởi công xây dựng 11 nhà cho người dân. Các hoạt động như làm nhà ở vượt lũ, hỗ trợ sinh kế và các giải pháp tiếp theo đang được huyện tập trung thực hiện đồng bộ” - ông Nguyễn Thành Long cho biết thêm.
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2021, MTTQ huyện Cẩm Xuyên và các đơn vị liên quan đã có văn bản về việc chăm lo Tết cho người nghèo, đảm bảo tất cả các xã đều có quà Tết cho người nghèo, phấn đấu 100% hộ nghèo và đối tượng nghèo đều có quà Tết.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đón hơn 3.800 tổ chức, cá nhân đến cứu trợ. Tổng số tiền và hàng hóa quy ra tiền đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ trên toàn tỉnh hơn 279 tỷ đồng và phân phối về các huyện, thị hơn 65 tỷ đồng.