Tận dụng FTA để xuất khẩu bứt phá

Minh Phương 17/12/2020 09:00

Là một năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 hoành hành, nhưng xuất khẩu vẫn ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần có thêm những hình thức hiện đại trong hoạt động xúc tiến thương mại để phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà chúng ta đã và đang ký kết.

Xuất khẩu có nhiều điểm sáng bất chấp dịch bệnh.

Đó là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 do Bộ Công thương tổ chức với chủ đề xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2020 dù khó khăn, song xuất nhập khẩu vẫn đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỉ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỉ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỉ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỉ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia các nội dung xúc tiến thương mại đa dạng, phong phú, có hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động này đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Phú thừa nhận, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn chưa có nhiều hình thức hiện đại và đổi mới. Quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Không chỉ vậy, nhiều hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại chưa chú trọng đầu tư, nghiên cứu thay đổi cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ DN. Kinh phí hỗ trợ thực hiện xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu được ngân sách nhà nước cấp còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu.

Về phía cộng đồng DN, nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, hình thức xúc tiến thương mại hiện nay chưa thực sự tạo động lực để DN tìm kiếm mở rộng thị trường, ngược lại còn tồn tại nhiều điểm nghẽn khiến DN chưa gây dựng được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Tại nhiều địa phương, DN đều phải tự chủ động về kinh phí, trong khi đó, năng lực của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại hiện chưa đủ kỹ năng, không chuyên nghiệp để thực hiện sứ mệnh kết nối. Đồng thời, hiểu biết về văn hóa, thị trường trong và ngoài nước chưa sâu... khiến cho hoạt động này chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 chính là duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5%-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực thông qua trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm được xúc tiến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng, từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Minh Phương