40 năm Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội: Kiên định mục tiêu dân tộc và hiện đại

Lê Anh Đức 17/12/2020 09:00

40 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã cho “ra lò” nhiều thế hệ nghệ sĩ tài ba, đã và đang cống hiến tài năng cho đất nước tại các hãng phim, nhà hát (cả sân khấu truyền thống và hiện đại).

Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội

Nếu như khi mới hình thành (17/12/1980) Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội (trên cơ sở sáp nhập 2 trường Trung cấp Nghệ thuật sân khấu Việt Nam và Trường Điện ảnh Việt Nam, cả hai trường này đều thành lập năm 1959), chỉ có vài chuyên ngành như: Khoa Diễn viên (chung cho cả phim và sân khấu), Khoa Điện ảnh (đạo diễn, quay phim, biên kịch, lý luận phê bình), Khoa Sân khấu (đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình), Khoa Kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương)... thì nay đã có thêm rất nhiều ngành khác như hóa trang, nhiếp ảnh, ảnh báo chí, đồ họa kỹ xảo... Đặc biệt, Ban Giám hiệu Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội còn kịp thời “cập nhật” nhu cầu của xã hội khi xây dựng và đưa vào giảng dạy hai chuyên ngành: Đạo diễn truyền hình (chuyên sản xuất phim truyền hình) và dẫn chương trình (MC).

“Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật các chương trình đào tạo mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu xã hội” - Hiệu trưởng, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi nói.

Một số hoạt động dạy và học của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội luôn đặt vấn đề chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Không chỉ đáp ứng đầy đủ giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, Trường còn khuyến khích cán bộ, giảng viên thực hiện các công trình nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống giáo trình giảng dạy. Trong 5 năm qua đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng 13 giáo trình, 112 tài liệu tham khảo và 5 sách hướng dẫn; tiếp tục triển khai biên soạn 20 giáo trình, tài liệu tham khảo... Kết quả, hàng năm sinh viên sân khấu điện ảnh ra trường đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về nghề của các hãng phim (cả phim truyện và truyền hình), các nhà hát...

Cái nôi của các nghệ sĩ lớn

Chính vì đặc biệt quan tâm tới chất lượng đào tạo, dù là dài hạn chính quy, tại chức, hay các khóa ngắn hạn, nên các thế hệ sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh ra trường hàng năm đều xuất hiện những tên tuổi. Phàm là người dân Việt Nam thì có ai không biết đến những nghệ sĩ như Trịnh Thúy Mùi, Nguyễn Thị Bích Ngoan, Xuân Hinh, Quốc Trượng... Với các bộ phim truyền hình dài tập được trình chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), người ta biết đến đạo diễn Thanh Hải (hiện là Phó Tổng Giám đốc VTV), các diễn viên Bảo Thanh (với các vai diễn thành công trong “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”), Xuân Bắc (nổi đình đám với “Sóng ở đáy sông”)...

Một số hoạt động dạy và học của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Với những tên tuổi từng một thời nổi như phát thanh viên Kim Tiến, Thanh Hùng, Minh Trí... của VTV; hay các NSND Bùi Bài Bình, Thu Hà, Công Lý... cũng đã từng là sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Nhiều người trở thành lãnh đạo các hãng phim, nhà hát, trong đó có Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Múa rối Thăng Long Chu Lượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Nguyễn Thị Bích Ngoan, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi...

NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam- tâm sự: Được những nghệ sĩ lớn, có uy tín, là “cây đa cây đề” của làng sân khấu như GS.NSND Trần Bảng, PGS.TS Trần Trí Trắc... dạy dỗ, chỉ bảo là điều hạnh phúc rất lớn, giúp chị trưởng thành.

Phát triển sân khấu điện ảnh xứng tầm

Những năm qua, sân khấu điện ảnh nước nhà gặp nhiều khó khăn, các nghệ sĩ có thời điểm gần như không thể sống bằng nghề. Các hãng phim truyện thì lâu lâu mới có thể sản xuất được một bộ phim vì lý do thiếu kinh phí, thiếu kịch bản hay. Tương tự, các nhà hát không thể sáng đèn, dù là tuồng, chèo, cải lương hay múa rối. Không phải khán giả không còn yêu sân khấu điện ảnh nước nhà, mà họ còn quá nhiều mối bận tâm khác cần quan tâm hơn. Việc bươn trải mưu sinh, cơm áo gạo tiền cứ quấn lấy khiến họ không còn thời gian để thưởng thức nghệ thuật. Đó là còn chưa kể trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, người ta chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể xem bất cứ thứ gì trên mạng, dẫn tới việc “lười” đi xem phim, kịch, hay tuồng, chèo, cải lương.

Khi mà “đầu ra” bị bịt thì các sinh viên tốt nghiệp sân khấu điện ảnh cũng lập tức bị ảnh hưởng. Có thời điểm, các sinh viên dù là khoa diễn viên, điện ảnh, hay kịch hát dân tộc... tốt nghiệp ra trường không thể xin vào làm việc tại các hãng phim truyện, hãng phim truyền hình, hay nhà hát nào. Song, những khó khăn trở ngại đó không thể lung lạc được niềm đam mê nghệ thuật của thầy và trò Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Thầy vẫn hăng say giảng bài, trò vẫn miệt mài luyện tập, dù chưa biết ngày mai sẽ ra sao. Và quả nhiên Trời không phụ người có công, những cố gắng nỗ lực của thày và trò Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã được đền đáp. Đến nay, hầu hết các lứa sinh viên ra trường đều đã có thể hoạt động nghệ thuật, dù là những hãng phim, nhà hát lớn, hay chỉ đơn giản là các sô diễn nhỏ lẻ theo các hợp đồng.

Một số hoạt động dạy và học của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Song, dù là biên chế chính thức của Hãng Phim truyện Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Hãng Phim Truyền hình Việt Nam, hay chỉ đơn giản là đi hát văn trong các lễ hội, quay phim theo hợp đồng thời vụ, chụp ảnh dịch vụ... thì mỗi cựu sinh viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội đều luôn giữ trong tim ngọn lửa nghề, để nó luôn cháy rực. Không quản là vị trí làm việc ở đâu, họ cũng vẫn luôn cố gắng làm tốt nhất những gì đã được các thầy cô truyền thụ. Không phải vì chụp ảnh dịch vụ mà họ không bố cục khuôn hình đẹp theo chuẩn mực, dù hát văn hầu đồng thì họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố kỹ thuật cơ bản của hát chèo...

Theo PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, dù trong hoàn cảnh nào thì thầy và trò nhà trường vẫn kiên định mục tiêu giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố hiện đại để hội nhập với khu vực và thế giới. “Chúng tôi cố gắng xây dựng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh thành trường trọng điểm quốc gia trong đào tạo nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và truyền hình có uy tín, làm nòng cốt cho các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước. Xa hơn một chút, mục đích hướng tới là nền sân khấu điện ảnh Việt Nam phải vươn tầm ra thế giới, khiến bạn quốc tế phải nể trọng” - Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thi chia sẻ.

Lê Anh Đức