Nhà văn quân đội Phùng Văn Khai: Tôi viết trên tinh thần vun vén lịch sử dân tộc
Theo đuổi con đường viết tiểu thuyết lịch sử, Trung tá nhà văn Phùng Văn Khai – Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ về công việc sáng tác, về tính khoa học của lịch sử và những tâm niệm của một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Là người vẫn thường nhận được sách tặng mà khi nhà văn đem những cuốn sách đã in ra bày kín mặt bàn trà thì vẫn khiến tôi ngỡ ngàng, chỉ nhìn sức lao động được ngần ấy tác phẩm cũng đã quá nể.
PV:Tôi với tư cách một bạn đọc, thì tôi thấy sau những “Phùng vương”, “Ngô vương”, “Nam đế Vạn Xuân”, “Triệu vương phục quốc”... bút lực của anh vẫn còn dồi dào lắm. Tôi rất tò mò muốn biết vì sao anh lại say mê với việc viết tiểu thuyết lịch sử?
Nhà văn Phùng Văn Khai: Tôi đến với tiểu thuyết lịch sử như một cái duyên, hoàn toàn mang tính tình cờ và như là duyên phận. Lịch sử dân tộc mình rất hào hùng mà đã là nhà văn thì phải say mê lịch sử dân tộc. Tôi viết tiểu thuyết lịch sử trong gần 20 năm qua thì phải nói là duyên phận đã đành, duyên phận mà không có sự am tường lịch sử, không có kế hoạch, không có đam mê, dấn thân, thì dù có mến mộ lịch sử dân tộc cũng chỉ đứng xa xa thôi. Khi tôi dấn thân vào công cuộc viết tiểu thuyết lịch sử thì trước tiên là để tri ân tiền nhân. Lịch sử đất nước 4.000 năm rất rõ ràng nhưng tác phẩm văn học về lịch sử còn khiêm tốn. Các nhà văn như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh rất trăn trở với lịch sử đất nước và đã có những bộ tiểu thuyết về nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ đồ sộ. Độc giả mong mỏi điều đó, và các bác ấy cũng có sứ mệnh lịch sử của mình. Tôi cũng là một trong những học trò của các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh. Các bác đều cao tuổi rồi. Mình là thế hệ đi sau bước tiếp thế nào đây, làm thế nào đây để lịch sử Việt Nam tường minh dưới ánh sáng của thời đại chúng ta. Với tư cách nhà văn, tôi luôn có những trăn trở về lịch sử dân tộc và cảm thấy phải có trách nhiệm để viết những cuốn sách lịch sử. Đó là việc đầy khó khăn, nhưng cũng đầy hứng khởi và đầy tin yêu rằng bạn đọc sẽ yêu quý lịch sử Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng với nhà văn, chúng tôi sẽ không cô độc.
Vì sao ngay từ cái tên của các cuốn tiểu thuyết lịch sử anh không tìm đặt cho nó lãng mạn hơn, hấp dẫn hơn thay vì gọi thẳng triều đại mà cuốn tiểu thuyết đề cập. Nó khiến người ta nghĩ rằng nó giống với cuốn sách nghiên cứu lịch sử hơn?
- Câu hỏi rất hay. Nhưng tôi phản biện như này, do bối cảnh lịch sử của người Việt chúng ta không còn thời gian để mà dùng những cụm từ mỹ miều cho các triều đại nữa, Triệu Việt Vương là Triệu Việt Vương, Ngô vương là Ngô vương, Lý Nam Đế là Lý Nam Đế… Chúng ta buộc không còn con đường nào khác là nhận diện đúng lịch sử. Lý Nam Đế xưng đế nhưng lịch sử còn chép sơ sài. Tại sao Triệu Quang Phục lại chỉ xưng vương. Trong tiểu thuyết của tôi lý giải rất rõ ràng, Triệu Quang Phục là một tả tướng quân của Lý Nam Đế nên theo đạo lý người Việt, cụ không thể ngang hàng với Lý Nam Đế nên cụ chỉ xưng vương. Cụ giải thích với quần thần rằng ta là một tuỳ tướng của Lý Nam Đế nên chỉ xưng vương và theo mệnh lệnh của Lý Nam Đế đã bàn giao cho ta có trách nhiệm phải phục quốc. Các triều đại sau, Ngô Quyền đánh thắng Bạch Đằng, triều Ngô được xác lập. Chúng ta có Đinh Lý Trần Lê định hình trong lịch sử. Nhưng vẫn có sự dè dặt, có triều đại thì xưng đế có triều đại thì xưng vương...
Tính hấp dẫn hay vẻ đẹp lịch sử theo anh thì nằm ở chỗ nào trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử?
- Gần đây tôi có sự trăn trở chúng ta chỉ ưa thích những sự kiện lịch sử mà quên mất tính khoa học lịch sử. Không dễ gì để Trần Quốc Tuấn nói rằng: Năm nay đánh giặc nhàn. Không dễ gì để Hồ Nguyên Trừng (con trai của Hồ Quý Ly) nói: Thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo. Chúng ta quên mất khoa học lịch sử, chúng ta chỉ ưa thích sự kiện lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Đấy là tính khoa học của lịch sử. Có những cái thuộc về sự kiện lịch sử, có những cái là khoa học lịch sử. Ví dụ theo tôi trong lịch sử chúng ta có không nhiều anh hùng giải phóng dân tộc. Anh hùng giải phóng dân tộc khác với anh hùng dân tộc. Phùng Hưng là anh hùng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc. Dân tộc Việt Nam trưởng thành được là nhờ sự khoa học của lịch sử, chứ không phải chỉ nhờ vào những sự kiện lịch sử. Nhưng chúng ta chỉ ưa thích những sự kiện, chúng ta nhớ chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… nhưng quên mất rằng để dẫn đến các sự kiện lịch sử thì phải có khoa học lịch sử.
Tính hư cấu ở trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử được nhà văn Phùng Văn Khai viết trên nguyên tắc nào?
- Nhà văn sống còn ở hư cấu, nếu không hư cấu chúng tôi là số 0. Nhưng hư cấu trên nền tảng lịch sử, hư cấu trên một sự thật lịch sử và tôi vẫn nhắc lại là trên khoa học lịch sử, chứ hư cấu một cách tuỳ tiện thì chỉ là nhà văn hạng bét thôi. Khi cuốn Nam đế Vạn Xuân ra đời thì đã lý giải được tính khoa học lịch sử của việc Lý Nam Đế lên ngôi lập nhà nước Vạn Xuân thì lập chùa Trấn Quốc. Tính tự chủ của người Việt hết sức mãnh liệt và không lệ thuộc vào phương Bắc. Có một nhà đầu tư dự định là phim về Ngô Quyền dựa vào cuốn tiểu thuyết Ngô vương của tôi. Tôi đã đưa ra nguyên tắc làm phim không được làm méo mó lịch sử, không đưa cảnh mỹ nhân uốn éo vào phim. Phim chính sử Việt Nam phải khác, không thể tràn ngập cảnh cung tần mỹ nữ. Tôi với tư cách là người yêu thích khoa học lịch sử tôi cho rằng triều chính Việt Nam không có việc giải trí. Chúng ta không có thời gian nhiều cho giải trí.
Chúng ta mới nhắc đến các nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh. Mọi sự so sánh thì đều không nên, nhưng nhà văn Phùng Văn Khai đi ở đâu giữa những bậc cao nhân đó?
- Tôi phải cảm ơn bác Nguyễn Xuân Khánh và bác Hoàng Quốc Hải. Đó là những bậc thầy của tôi, nếu không có họ thì tôi cũng không bước được vào con đường viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng khi đã bước vào thì lại phải giải quyết một bài toán khác, để tôi không viết giống họ. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có sự cao cường và nhiều đớn đau. Nhà văn Hoàng Quốc Hải là nhà văn lớn, chúng ta chưa đánh giá hết. Không có các nhà văn đó thì tôi không theo được con đường này. Tôi ý thức được vẻ đẹp thiền của họ. Một đất nước đẹp là một đất nước biết thiền, nó giúp chúng ta không sợ hãi.
Hai nhà văn đó là những người thầy nhưng nếu tôi theo 2 vị đấy thì tôi chết, không phải là Phùng Văn Khai và cũng không có gì để kể. Tôi có con đường riêng của mình. Tất cả Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải hay Phùng Văn Khai thì đều đồng nhất một nguyên tắc là giải quyết những vấn đề khoa học lịch sử. Nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đi theo cách của ông Khánh, nhà văn Hoàng Quốc Hải đi theo cách của ông Hải, tôi đi theo cách của tôi.
Anh vừa nói đến tính thiền và sự không sợ hãi, đó phải chăng là tính cách người Việt?
- Sự trưởng thành của người Việt là dựa vào chính mình. Ngày xưa chúng ta đã có quốc hiệu, Phùng Hưng là quốc hiệu, Lý Nam Đế là quốc hiệu.
Lịch sử dân tộc còn bao gồm cả lịch sử mất nước. Ở giai đoạn nào chúng ta cứ không trưởng thành không bình tĩnh thì lại mất nước. Nhưng người Việt không cam tâm mất nước, vẫn luôn giữ được dân tộc. Người Việt sẵn sàng thay đổi họ, từ họ này mang họ khác nhưng huyết thống không thay đổi, chí khí không thay đổi, văn hóa không thay đổi, văn hiến không thay đổi. Đó là vẻ đẹp của người Việt. Thế nên chúng ta có gì mà sợ hãi. Cá nhân tôi, tôi chỉ sợ nhất mình không phải người Việt Nam chứ là người Việt có gì mà sợ hãi.
Là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, ông có mong muốn như thế nào về bộ môn lịch sử hay chính là khoa học lịch sử hiện diện như thế nào trong đời sống của chúng ta?
- Lịch sử đừng tưởng là lửa đã cháy xong, lịch sử không bao giờ xong, bởi vì lịch sử dẫn đến hiện tại. Hiện tại của chúng ta là một sự hiện diện của lịch sử. Lịch sử là nền tảng vô cùng quyết định đến vận mệnh dân tộc. Chúng ta dựng nước và giữ nước rất gian nan. Nhưng thế hệ ngày nay quan tâm đến cơm áo gạo tiền nhiều hơn là quan tâm đến lịch sử. Chưa nhận diện lịch sử một cách sát sườn dễ dẫn đến việc chúng ta hấp tấp trước lịch sử. Lịch sử dân tộc có những trang rất đẹp về 18 vua Hùng. Chúng ta có con Lạc cháu Hồng, có Quốc tổ. Chúng ta phải có gốc.
Trở lại với câu chuyện hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, anh có chú ý đến tính lãng mạn trong những trang văn không? Tôi nhớ là ở trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dành nhiều trang tả về trại Mai của tướng Trần Khát Chân với một vẻ đẹp đẽ và hấp dẫn kỳ lạ.
- Tôi cũng khâm phục những trang văn của bác Nguyễn Xuân Khánh. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết của mình đã giải quyết được một vấn đề rất lớn, là từ vua chúa quân vương đến người dân bình thường thì đều là con người. Bác Khánh chứng minh tính con người trong vai trò là những nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử của tôi sau này đi lý giải những vấn đề khác. Tôi là bậc hậu sinh không còn thời gian để viết được như bác Nguyễn Xuân Khánh nữa, tôi đi con đường khác. Tôi nói tính khoa học lịch sử là ở đó.
Còn nhà văn Phùng Văn Khai với vai trò Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội – ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế huyền thoại đã từng là nơi có rất nhiều nhà văn nổi tiếng của đất nước làm việc ở đó - bạn đọc chắc cũng tò mò muốn biết ở đó hiện giờ các nhà văn mặc áo lính thế hệ sau này đang làm việc như thế nào?
- Ở tòa soạn Tạp chí hiện giờ nhà văn Nguyễn Bình Phương là Tổng biên tập, tôi và nhà văn Phạm Duy Nghĩa là Phó tổng biên tập. Chúng tôi tôn trọng nhau tuyệt đối, hỗ trợ lẫn nhau, và nguyên tắc thứ 3 là biết ơn sự thật. Sự thật là nhà văn Bình Phương, anh Nghĩa hay tôi đều có các tác phẩm ra đời đều đặn. Quân đội đưa chúng tôi về Tạp chí là để sáng tác thế thì phải chứng minh được bằng sản phẩm. Từ Ban biên tập đã thế thì xuống đến anh em cứ theo nguyên tắc này thôi. Khi đã có một guồng máy vì sự tốt lành, vì sự văn minh, vì để hướng về phía trước thì nó giải quyết tất cả. Người ta chỉ chú ý xem năm nay ông Nguyễn Bình Phương viết “Xe lên xe xuống”, ông Phùng Văn Khai viết “Triệu Vương phục quốc”, ông Phạm Duy Nghĩa viết “Sài Thục”... Đã có tác phẩm rồi thì mọi việc khác đều được thể tất.
Có nhiều nhà văn khi viết tác phẩm lịch sử thì thường miêu tả tình dục rất đậm, đó hình như lại không phải sở trường của nhà văn Phùng Văn Khai, anh quan niệm về điều này thế nào?
- Mỗi một tác phẩm có những thông điệp riêng. Thông điệp của “Tam quốc diễn nghĩa” khác với “Hồng Lâu Mộng”, khác với thông điệp của “Chiến tranh và hòa bình”. Tác phẩm phải đưa ra được thông điệp để chứng minh được căn cước của dân tộc mới là cái đích cuối cùng, chứ không phải sở trường mấy trang văn miêu tả sex thì cứ viết tràng giang. Tôi cho đó là thành tựu của văn chương hạng hai. Giữa người thường và anh hùng giải phóng dân tộc thì khác nhau. Tất cả đều yêu nước nhưng anh hùng giải phóng dân tộc thì hiếm hoi lắm, nhiều thế kỷ có khi mới có một người.
Xin cảm ơn nhà văn!