Sửa ngay còn kịp
Nhiều ý kiến không đồng tình với kiến nghị của các đơn vị thuộc Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam về việc “để dành” chỉnh sửa “sạn” trong sách giáo khoa ở lần tái bản để sử dụng cho năm học 2021-2022.
Tại sao phải để đến khi tái bản mà không phải là chỉnh sửa luôn để thầy và trò sử dụng ngữ liệu trong giảng dạy và học tập năm học này? Đây là câu hỏi của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Theo ông Dong, khi NXBGD thừa nhận cả 4 bộ SGK tiếng Việt 1 do đơn vị này biên soạn đều có sạn phải chỉnh sửa nghĩa là những bộ sách này ít nhiều đều có những chi tiết không nên đưa vào trong giảng dạy nên nếu cứ để đấy không sửa thì không phải thầy cô nào cũng biết, cũng thay thế bằng ngữ liệu khác phù hợp khiến nảy sinh những bất cập khác.
“Sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cuốn sách tập 1 và tập 2 phải sửa tổng cộng 37 trang. Tương tự, bộ Cùng học để phát triển năng lực phải sửa lỗi ở 24 trang… Đây là những con số biết nói cho thấy công tác thẩm định của Hội đồng Thẩm định quốc gia vẫn còn những khoảng trống. Vấn đề hiện nay là cần phải công khai những lỗi này và có phương án chỉnh sửa, thay thế ngay trong năm học này, không để thầy và trò phải sử dụng những cuốn sách đầy sạn” – ông Dong nói.
Trước đó, sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cũng bị phát hiện có nhiều hạt sạn và nhóm tác giả biên soạn bộ sách Cánh diều cũng lắng nghe ý kiến góp ý, đề xuất phương án chỉnh sửa, đăng công khai để lấy góp ý của dư luận. Nay nếu những cuốn sách khác lại hoãn đến sang năm mới chỉnh sửa thì thật không công bằng!
Quan trọng hơn, cần tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh học cho đúng chuẩn, NXBGD phải khắc phục khó khăn như bộ Cánh Diều, cho chỉnh sửa ngay. Chỗ nào có lỗi phải thay nội dung, điều chỉnh ngữ liệu thì in các trang chỉnh sửa rồi gửi tới các trường và giáo viên, học sinh. Tái bản là chuyện của năm sau còn năm nay, học sinh cũng có quyền được học sách chất lượng!
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có kịp sửa trong năm nay hay không? Bởi theo quy định về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK của Thông tư 33, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định các bản mẫu SGK lớp 1 cần được chỉnh sửa, đính chính của NXB, Bộ GDĐT sẽ tổ chức thẩm định. Căn cứ trên kết luận của Hội đồng Thẩm định quốc gia, Bộ sẽ ra quyết định cho phép điều chỉnh SGK lớp 1 để NXB kịp thời phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng SGK hướng dẫn giáo viên, học sinh dạy học hiệu quả, kịp thời trong năm học này và thực hiện điều chỉnh các nội dung trong các lần in tái bản.
Mong muốn của các bậc phụ huynh và học sinh là sẽ có những cuốn SGK chất lượng tốt nhất để phục vụ cho việc học tập ngay trong năm học này. Song việc sửa chữa, thay thế cần làm cẩn trọng, nghiêm túc và chất lượng, tránh tình trạng làm cho có, cho xong thì cũng bằng không sửa!