Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Vườn Quốc gia Kon Ka rộng 41.780ha nằm về phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50km. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách tới nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh là 1 trong 4 vườn quốc gia của Việt Nam được Đông Nam Á công nhận là “Vườn Di sản ASEAN”, vào tháng 12 năm 2003. Với tổng diện tích khoảng gần 42.000 ha, Kon Ka Kinh là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao (khoảng 2.000 ha) bao gồm các loài cây lá rộng và lá kim. Ngoài ra còn có các loài cây quý hiếm như pơ-mu, trắc, chò đãi, kim giao...
Thống kê chưa đầy đủ, trong vùng hiện có trên 652 loài thực vật (trong đó, khoảng 110 loài có thể dùng làm dược liệu), 42 loài thú, 160 loài chim, hơn 51 loài bò sát, ếch nhái và gần 210 loài bướm. Đặc biệt, VQG Kon Ka Kinh còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thú quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ, đặc biệt là loài voọc chà vá chân xám - một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới.
VQG Kon Ka Kinh còn có loài chim độc đáo, đó là loài khướu Kon Ka Kinh (hay còn gọi là khướu tai hung). Loài chim quý này được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và cũng mới được phát hiện trong vòng 30 năm trở lại đây ở châu Á. Vì thế, chim được mang luôn tên của khu vườn này. Đây là loài khướu chỉ có duy nhất ở VQG Kon Ka Kinh, nó có vẻ đẹp khác lạ và theo giới nghiên cứu, chúng cũng có trí thông minh đáng nể so với bất cứ loài chim nào.
Tới VQG Kon Ka Kinh, người ta như lạc vào một thế giới hoang sơ, với rất nhiều địa chỉ như hiện về từ buổi hồng hoang của loài người. Trong VQG có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chơ Răng, hệ sinh thái rừng khộp, rừng thông Đak Pơ, Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, hồ Ia Ly, thác Phú Cường… đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, mà truyền thống văn hóa hết sức đậm đà thể hiện qua các lễ hội, tập tục sinh hoạt hàng ngày vẫn duy trì cho tới ngày nay. Nơi đây còn nổi tiếng với những sản phẩm thủ công truyền thống đan lát, dệt và cũng rất nổi bật với cơm lam, cá suối, rượu ghè. Cũng trong vùng rừng núi này, du khách còn có dịp lắng lại khi ghé thăm các di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo, nhà ngục Pleiku, Làng kháng chiến Stơr…
Những năm qua, du lịch Kon Ka Kinh phát triển khá mau lẹ, thu hút du khách khắp mọi miền đất nước, kể cả khách quốc tế; với các loại hình du lịch sinh thái, chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh, tham quan nghiên cứu thiên nhiên hoang dã, du lịch nghỉ dưỡng…
Với du lịch sinh thái, người ta có thể vào sâu trong rừng theo những đường mòn thiên nhiên, để được ngắm sinh cảnh rừng độc đáo, đa dạng. Nơi đây có những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi khó tìm thấy ở bất cứ cánh rừng nào. Với những người ưa mạo hiểm, có thể cùng nhau chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748m so với mực nước biển. Lên cao, du khách có thể ngắm nhì thành phố cao nguyên Pleiku với vẻ đẹp rất nên thơ. Người ta sẽ không thể nào quên được những chuyến đi trong khu rừng hỗn giao rộng tới 2.000 ha, có cả cây lá rộng lẫn cây lá kim.
Sức hấp dẫn của VQG Kon Ka Kinh còn ở hệ thống sông, suối, thác ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như: thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Bưng, thác Đak Pooc… “Thác 95” nổi tiếng và đẹp nhất với có độ cao khoảng 40m. Nhìn từ xa “Thác 95” giống như một dải lụa trắng lượn lờ trên màu xanh đại ngàn sâu thẳm. Chính hệ thống thác nước thiên nhiên này khiến cho những vạt rừng luôn xanh tốt và cũng làm cho khí hậu luôn mát mẻ trong lành. Trong tiếng thác nước rì rào là tiếng lá cây xào xạc, là tiếng của những con chim gọi nhau, và có cả tiếng hú của những chú vượn, tiếng tác tác của một bầy nai…
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương, bao gồm 5 loài thú lớn (voọc vá chân xám, vượn má hung, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn). 7 loài chim (khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu kon ka kinh- loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ). 4 loài thuộc lớp bò sát ếch nhái (thằn lằn đuôi đỏ, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần). Trong số đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gene và nghiên cứu khoa học được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như hổ, voọc ngũ sắc, khỉ đuôi lợn, tê tê Java, cầy tai trắng, gà lôi lông tía, giẻ cùi bụng vàng, các loại khướu, các loại kỳ đà, các loại rắn, cóc mày gai mí, cóc mắt chân dài...
Đặc biệt ở Kon Ka Kinh có 8 loài trong lớp thú ghi trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) bao gồm 2 loài đang bị đe doạ ở cấp E, 4 loài bị đe doạ ở cấp V, 1 loài gần bị đe dọa và 1 loài ở cấp DD. Có 7 loài trong lớp thú ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, trong đó có 3 loài đang bị đe dọa ở cấp E, 4 loài ở cấp V và có 4 loài thú đặc hữu cho Đông Dương là vượn má hung, voọc vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn; 8 loài bướm mới cho khoa học và 6 loài lần đầu tiên được ghi nhận cho khu hệ bướm Việt Nam.