Vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô: Trả hồ sơ điều tra bổ sung
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội.
Ngày 17/12, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra kết luận đề nghị truy tố các bị can về tội "Giả mạo trong công tác" gồm: Dương Văn Hòa (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô), Trần Kim Oanh (nguyên phó hiệu trưởng kiêm phó viện trưởng Viện đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (nguyên phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (nguyên phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng Phòng Tài chính, kế toán), Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương (là các cán bộ trường Đại học Đông Đô).
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định: Trần Khắc Hùng (chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) và các đồng phạm đã vi phạm quy định khi làm, cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.
Theo đó, ngoài các lần hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân, cơ quan điều tra còn xác định, trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh giả cho các cá nhân dù không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.
Sau khi nhận kết luận điều tra, VKSND tối cao trả hồ sơ vì cho rằng, bị can Nguyễn Thị Ngọc Thái phải chịu trách nhiệm với 10 trường hợp được cấp bằng giả theo danh sách đề nghị in ngày 22/5/2018.
Ngoài 10 trường hợp này còn có 6 trường hợp được cấp bằng giả liên quan đến Nguyễn Thị Ngọc Thái. Vì vậy, VKSND tối cao yêu cầu điều tra làm rõ việc Thái có trách nhiệm với các trường hợp được cấp bằng giả này hay không.
Đối với bị can Trần Ngọc Quang ký 73 bảng điểm hợp thức kết quả học tập, ký nháy trên 42 văn bản nhưng cơ quan điều tra chỉ quy kết bị can Quang phải chịu trách nhiệm với 42 trường hợp nên cần phải làm rõ thêm.
Đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Nhưng cơ quan điều tra chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).
Trong đó có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng, 23 người có tham gia học tập nhưng do Trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên không có giá trị. Vì vậy, cần xác định những trường hợp nào được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.
VKSND cũng yêu cầu các đơn vị chủ quản phải xử lý trách nhiệm các đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp dùng bằng không được cấp đúng quy định. Trong số này, cơ quan điều tra mới thu giữ 67 bằng gốc.
Đối với 60 trường hợp dùng bằng giả, đến nay mới xác định được 25 trường hợp gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án; 1 trường hợp thôi học thạc sĩ; 1 trường hợp công chức nghỉ việc; 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên. VKSND tối cao cho rằng 35 trường hợp còn lại vẫn cần xác định đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định.
VKSND tối cao yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả. Đồng thời yêu cầu xác định số tiền học phí Trường Đại học Đông Đô đã thu của các trường hợp được cấp bằng giả, lập danh sách để có căn cứ xác định việc thu lợi bất chính.
VKSND tối cao yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung những nội dung trên trong thời gian không quá 2 tháng.